Năm 2018 là năm nóng thứ 4 trong lịch sử
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:47, 07/02/2019
Thời tiết cực đoan năm 2018 bao gồm cháy rừng ở California (Mỹ) và Hy Lạp, hạn hán ở Nam Phi và lũ lụt ở Kerala, Ấn Độ. Mức phát thải khí nhà kính nhân tạo đạt kỷ lục, chủ yếu là do việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Dựa trên dữ liệu từ các cơ quan thời tiết của Mỹ, Anh, Nhật Bản và Châu Âu, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), tổ chức chuyên môn về khí tượng của Liên Hiệp Quốc cho biết nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu là 1,0 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp năm 2018.
“Xu hướng nhiệt độ dài hạn quan trọng hơn nhiều so với xếp hạng của từng năm và xu hướng đó đang gia tăng”, Tổng thư ký của WMO, Petteri Taalas tuyên bố. “20 năm nóng nhất đã được ghi nhận trong 22 năm qua” – ông nhấn mạnh.
Để chống lại sự nóng lên, gần 200 nước đã thông qua thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 để loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và hạn chế sự gia tăng nhiệt độ lên 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong khi theo đuổi mục tiêu 1,5 độ C.
“Sự nóng lên toàn cầu trong thời gian dài đã gây ra nhiều tác động - trong lũ lụt ven biển, sóng nhiệt, mưa lớn và thay đổi hệ sinh thái”, ông Keithin Schmidt, Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ Goddard của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết.
Theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), năm ngoái, chỉ riêng Mỹ đã hứng chịu 14 thảm họa thời tiết và khí hậu với thiệt hại hơn 1 tỷ USD, dẫn đầu là bão và hỏa hoạn.
NOAA và NASA đóng góp dữ liệu cho WMO.
Năm nay cũng đã bắt đầu với nhiệt độ nắng nóng, với Australia trải qua nhiệt độ cao nhất trong tháng 1. Chống lại xu hướng toàn cầu, các khu vực của Mỹ hứng chịu thời tiết lạnh “thấu xương” từ không khí Bắc cực tuần trước. Trong các kỷ lục mà WMO ghi nhận từ thế kỷ 19, năm 2016 là năm nóng nhất, được thúc đẩy bởi thời tiết El Nino ở Thái Bình Dương, tiếp theo là năm 2015 và 2017 và 2018 ở vị trí thứ tư.