Ô nhiễm không khí bao trùm các thành phố, Macedonia thực hiện các biện pháp khẩn cấp

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:17, 22/01/2019

(TN&MT) - Chính phủ Macedonia đã gia hạn thời gian nghỉ học của các trường cho đến ngày 23/1 và đưa ra các biện pháp bảo vệ người dân khỏi tình trạng ô nhiễm không khí nguy hiểm tăng gấp 10 lần so với giới hạn quy định của Liên minh Châu  (EU).
Một người phụ nữ che mặt khi ô nhiễm không khí đạt đến mức nguy hiểm ở Skopje, Macedonia vào ngày 21/1/2019. Ảnh: Reuters / Ognen Teofilovski
Một người phụ nữ che mặt khi ô nhiễm không khí đạt đến mức nguy hiểm ở Skopje, Macedonia vào ngày 21/1/2019. Ảnh: Reuters / Ognen Teofilovski

Các nhà chức trách ở thủ đô Skopje, nơi khẩu trang là vật dụng phổ biến đã giới thiệu các chuyến tàu và xe buýt miễn phí và tăng gấp đôi phí đỗ xe để ngăn chặn việc sử dụng ô tô. Những người mắc bệnh mãn tính và người già được miễn làm việc.

“Ô nhiễm không khí đã trở thành một trong những vấn đề lớn nhất ở Macedonia”, ông Jani Makraduli, Thứ trưởng Bộ môi trường Macedonia nói với Reuters ngày 21/1.

Thiên tai mùa đông hàng năm là do hỗn hợp khí thải từ ô tô cũ, đốt than và công nghiệp lão hóa, cũng như quy hoạch không gian kém và sưởi ấm phụ thuộc vào nhiên liệu rắn.

Chính phủ Macedonia đã thông qua một chương trình chống ô nhiễm không khí và dành quỹ để giúp người dân và các tổ chức cộng đồng chuyển sang các nguồn sưởi ấm sinh thái hơn.

Macedonia cũng kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn phát thải công nghiệp nhưng nhiều người cho rằng các chính sách chưa thỏa đáng.

Các nhà môi trường cho biết tiến độ hoạt động của chính phủ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng chủ yếu phụ thuộc vào than non gây ô nhiễm nặng, không rõ ràng và những cải tiến đã quá hạn.

Petar Stefanovski cho biết: “Chúng tôi đang nghẹt thở. Các giải pháp sưởi ấm thay thế rất tốn kém, có quá nhiều xe hơi và các tòa nhà mới đã tạo ra “Bức tường Trung Quốc” ngăn chặn sự lưu thông không khí”.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính mỗi năm Macedonia có 1.350 trường hợp tử vong liên quan đến ô nhiễm không khí, gây thiệt hại 3,2% sản lượng quốc gia, tương đương hơn 360 triệu USD mỗi năm.