EU ngừng cơ chế trao đổi hạn ngạch thải khí với Anh trước thềm Brexit

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 20:11, 20/12/2018

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/12 cho biết đã tạm ngừng cơ chế trao đổi hạn ngạch thải khí liên quan tới nước Anh từ ngày 1/1/2019, cho đến khi có một sự rõ ràng...

 

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 20/12 cho biết đã tạm ngừng cơ chế trao đổi hạn ngạch thải khí liên quan tới nước Anh từ ngày 1/1/2019, cho đến khi có một sự rõ ràng về thỏa thuận Brexit.
 

ttxvn khi thai


Như vậy, từ đầu năm tới, Anh sẽ không thể tham gia cuộc đấu giá giấy phép thải khí carbon, cho đến khi nào EC có quyết định khác. Mọi giấy phép thải khí do Anh cấp từ tháng 1/2019 sẽ phải đánh dấu mã quốc gia. Tuy nhiên, EC cho biết các giao dịch đối với giấy phép đã được cấp trước đó của các công ty Anh sẽ không bị ảnh hưởng bởi quyết định trên.

Tuyên bố của EC giải thích quyết định là "để ngăn tình trạng cấp phép tạm thời và trao đổi các giấy phép bị đánh dấu, cho đến khi có sự rõ ràng về việc một thỏa thuận ra đi có được phê chuẩn và thực thi hay không." 

EC nêu rõ nếu thỏa thuận "ly hôn" được phê chuẩn, lệnh ngừng trên sẽ được dỡ bỏ. Quyết định của EC đã được trình lên Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu phê chuẩn.

 

EU đã thiết lập Cơ chế giao dịch khí phát thải (ETS) từ năm 2005 nhằm thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải xuống 20% (so với mức của năm 1990) vào năm 2020. ETS cho phép các công ty bán hoặc mua hạn ngạch thải khí trong các cuộc đấu giá hoặc từ các công ty khác để kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo kế hoạch, Brexit sẽ diễn ra vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, đến nay dự thảo thỏa thuận Brexit vẫn chưa được Quốc hội Anh phê chuẩn do vấp phải sự phản đối lớn. Nếu Thủ tướng Anh Theresa May không thể đưa ra một thỏa thuận nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sẽ phải đứng trước ba lựa chọn: chấp nhận một thỏa thuận "phút chót", hủy tiến trình Brexit bằng cách đảo ngược điều 50 của Hiệp ước Lisbon, hoặc rời EU mà không có thỏa thuận. Trong kịch bản xấu nhất là Brexit không thỏa thuận đồng nghĩa với một quá trình "cắt đứt đột ngột" không thời kỳ chuyển tiếp.

Liên quan đến việc này, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Nathalie Loiseau cho rằng Anh vẫn có thể tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về Brexit. 

Phát biểu trên kênh truyền hình CNews của Pháp, bà Loiseau nói: "Cánh cửa vẫn để ngỏ, song Anh phải tự lựa chọn," chứ không phải châu Âu quyết định về việc này. Cựu Thủ tướng Anh Tony Blair là một trong số những người đi đầu kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu mới về Brexit, tuy nhiên Thủ tướng May kịch liệt bác bỏ giải pháp này./.