Sóng thần do núi lửa phun trào ở Indonesia: Ít nhất 222 người thiệt mạng

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:55, 23/12/2018

(TN&MT) – Ngày 23/12, giới chức Indonesia cho biết một cơn sóng thần đã làm chết ít nhất 222 người và hàng trăm người khác bị thương trên các đảo Java và Sumatra của nước này sau vụ lở đất dưới nước được cho là do núi lửa Anak Krakatau phun trào.

“Hàng trăm ngôi nhà và các tòa nhà khác đã bị thiệt hại nặng nề khi sóng thần ập đến mà gần như không có cảnh báo, dọc theo vành đai eo biển Sunda vào cuối ngày 22/12”, ông Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia cho biết.

Hàng ngàn cư dân buộc phải sơ tán lên vùng đất cao hơn. Đến 17h40 (10h40 GMT), Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia thông báo số người chết đã tăng lên 222 người, và 843 người bị thương, 28 người mất tích.

Dù đã cuối ngày 23/12, lực lượng cứu hộ vẫn ráo riết tìm kiếm những người sống sót nhưng các công nhân và xe cứu thương đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng vì một số con đường đã bị chặn bởi các mảnh vỡ từ những ngôi nhà bị phá hủy, lật xe và cây đổ.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy thời điểm khi sóng thần tấn công bãi biển và khu dân cư ở Pandeglang trên đảo Java, kéo theo nạn nhân, mảnh vỡ và những khối gỗ và kim loại lớn.

Truyền thông trong nước đưa tin các cư dân ven biển cho biết không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào vào tối 22/12, chẳng hạn như nước rút hoặc một trận động đất trước khi sóng cao 2-3 mét dạt vào bờ.

Theo các nhà chức trách, tiếng còi cảnh báo đã tắt ở một số khu vực.

Người dân đi xe máy qua các cửa hàng nhỏ bị đổ sập sau khi sóng thần tấn công bãi biển Carita ở Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia vào ngày 23/12/2018. Ảnh: Adi Kurniawan
Người dân đi xe máy qua các cửa hàng nhỏ bị đổ sập sau khi sóng thần tấn công bãi biển Carita ở Pandeglang, tỉnh Banten, Indonesia vào ngày 23/12/2018. Ảnh: Adi Kurniawan


Cảnh báo sơ tán

Giới chức Indonesia cảnh báo người dân và khách du lịch ở các khu vực ven biển quanh eo biển Sunda tránh xa các bãi biển, đồng thời cảnh báo thủy triều cao vẫn còn xuất hiện cho đến ngày 25/12 khi các quan chức cố gắng tìm ra nguyên nhân của thảm họa.

“Những người đã sơ tán, xin vui lòng chưa quay trở lại”, ông Rahmat Triyono, một quan chức của Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo, cho biết trên Twitter rằng ông đã yêu cầu tất cả các cơ quan chính phủ có liên quan thực hiện ngay các bước ứng phó khẩn cấp, tìm kiếm nạn nhân và chăm sóc những người bị thương.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho biết số người chết có thể sẽ tăng cao.

“Bờ biển phía tây của tỉnh Banten ở Java, hòn đảo đông dân nhất Indonesia là khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ít nhất 35 người cũng đã thiệt mạng ở Lampung, miền Nam Sumatra”, ông Nugroho nói với các phóng viên ở Yogyakarta.

Hội Chữ thập đỏ đã gửi các thiết bị và viện trợ từ nhà kho khu vực của Hội ở Banten, bao gồm nước, bạt, xẻng và rìu, và các bộ dụng cụ vệ sinh.

“Cuốn trôi”

Cảnh quay trên truyền hình cho thấy sóng thần đã cuốn trôi một sân khấu ngoài trời, nơi một ban nhạc rock địa phương đang biểu diễn cho hàng trăm vị khách trong bữa tiệc cuối năm của công ty tiện ích nhà nước PLN.

4 người trong số các nhạc sĩ của ban nhạc Seventeen đã thiệt mạng cùng với 29 nhân viên và người thân của PLN.

“Nước đã cuốn trôi sân khấu nằm rất gần biển. Nước đã dâng lên và kéo đi tất cả mọi người tại khu vực biểu diễn. Chúng tôi đã mất những người thân yêu, trong đó có cả người chơi bass và người quản lý của chúng tôi ... và những người khác đang mất tích” – ban nhạc này đau đớn cho biết.

Theo một đoạn video giải cứu một cậu bé được đăng trên Twitter của Cảnh sát Quốc gia Indonesia, cảnh sát đã giải cứu cậu bé này bị mắc kẹt trong một chiếc ô tô nằm dưới gốc cây đổ và đống đổ nát trong gần 12 giờ.

Ông Nugroho cho biết sóng thần không xảy ra sau một trận động đất mà có thể do thủy triều dâng bất thường vào thời điểm trăng tròn và lở đất dưới đáy biển do hoạt động tại núi lửa Anak Krakatau.

Anak Krakatau là một ngọn núi lửa đang hoạt động nằm giữa đảo Java và Sumatra của Indonesia, và trong nhiều tháng qua đã phun khói bụi và dung nham. Theo BMKG, ngọn núi này lại phun trào chỉ sau 21h ngày 22/12 và sóng thần xảy ra vào khoảng 21h30 cùng ngày.

Ben van der Pluijm, một nhà địa chất động đất và là giáo sư tại Đại học Michigan, Mỹ cho biết sóng thần có thể do một phần nguyên nhân của núi lửa Anak Krakatau phun trào.