Mỹ và Saudi Arabia 'đội sổ' trong nỗ lực hạn chế tình trạng ấm lên

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:42, 11/12/2018

Mỹ và Saudi Arabia hiện đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số cải thiện biến đổi khí hậu (CCPI) của 56 quốc gia trên thế giới vốn chiếm tới 90% lượng phát...

 

Mỹ và Saudi Arabia hiện đứng cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số cải thiện biến đổi khí hậu (CCPI) của 56 quốc gia trên thế giới vốn chiếm tới 90% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên.

Đây là báo cáo dựa trên kết quả khảo sát mới nhất của Viện Khí hậu mới và tổ chức phi chính phủ Germanwatch công bố ngày 10/12, bên lề Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) đang diễn ra tại thành phố Katowice, Ba Lan.

 

ttxvn o nhiem


Ngoài Mỹ và Saudi Arabia, các nước đứng trong danh sách cuối của bảng xếp hạng trên còn có Iran, Hàn Quốc, Australia, Canada, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản.
 

Báo cáo đánh giá việc có nhiều nước chậm trễ trong nỗ lực ngăn chặn biến đổi khí hậu đồng nghĩa thế giới sẽ tụt hậu một cách nghiêm trọng trong tiến trình giảm thiểu ô nhiễm khí thải carbon vốn đang làm trầm trọng hơn tình hình hạn hán, lũ lụt và các đợt sóng nhiệt nguy hiểm chết người trên toàn cầu.

Hầu hết các chính phủ "đều thiếu quyết tâm chính trị trong việc loại bỏ các nhiên liệu hóa thạch với sự mau lẹ cần thiết."

Hiện chỉ có một số ít quốc gia bắt đầu thực hiện các chiến lược nhằm ngăn mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 2 độ C, theo đúng mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu ký năm 2015.

Cách tính điểm trong bảng xếp hạng CCPI dựa trên việc đánh giá sự tiến bộ của từng quốc gia trong công tác giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nỗ lực phát triển năng lượng tái tạo (như gió và Mặt Trời), sử dụng năng lượng và các chính sách khí hậu của quốc gia đó.

Với cách tính này, Thụy Điển và Maroc là hai nước "ghi điểm" cao nhất cùng với Anh, Ấn Độ, Na Uy, Bồ Đào Nha và Liên minh châu Âu (EU) tính tổng thể.

Tuy nhiên, tốp 3 đứng đầu trong nỗ lực giảm thiểu biến đổi khí hậu này lại bị bỏ trống do không một quốc gia nào được đánh giá có các chính sách và hành động đủ để ngăn chặn hiệu quả tình trạng Trái Đất ấm lên.

Dù mức độ phát thải khí tại 40 trong 56 nước được khảo sát nói trên đã giảm đi trong giai đoạn 2011-2016, nhưng cùng lúc đó, việc đầu tư cho hạ tầng sử dụng nhiên liệu hóa thạch và nguy cơ "mắc kẹt" trong tương lai phát thải khí ở mức cao lại tăng lên.

Báo cáo cảnh báo với xu hướng hiện nay, thế giới đang trên đà nóng lên tới 4 hoặc 5 độ C vào cuối thế kỷ này.

Tuần qua, các nhà khoa học khẳng định lượng khí thải carbon dioxide (CO2) trên toàn cầu - yếu tố chiếm khoảng 80% nguyên nhân khiến Trái Đất ấm lên - sẽ tăng gần 3% trong cả năm 2018.

Sau khi được duy trì ở mức ổn định từ năm 2014-2016, hiện tượng ô nhiễm khí carbon đã tăng trở lại vào năm ngoái do gia tăng việc sử dụng dầu mỏ, khí đốt và than đá.

 

Theo một báo cáo của Liên hợp quốc trong tháng 10 vừa qua, cần phải giảm 25% tỷ lệ phát thải CO2 trong vòng 12 năm tới mới có thể duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất dưới 2 độ C và giảm 50% tỷ lệ khí thải này trong cùng thời gian để duy trì nền nhiệt toàn cầu chỉ tăng ở mức 1,5 độ C - ngưỡng an toàn hơn, giúp hạn chế các hiện tượng thời tiết cực đoan tiềm ẩn nguy cơ gây nhiều thảm họa.

Gần 200 quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris năm 2015 có thời gian là 2 tuần tại Katowice để hoàn tất một bộ quy chuẩn nhằm kìm hãm sự tăng nhiệt của Trái Đất ở dưới mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, và tiếp tục nỗ lực để hạn chế sự gia tăng nhiệt đến 1,5 độ C.

Tuy nhiên, tình trạng biến đối khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với biện pháp đối phó của con người. Giới chuyên gia cảnh báo chỉ với mức tăng nhiệt độ là 1 độ C, Trái Đất bị "héo mòn" bởi các trận cháy rừng, khô hạn nghiêm trọng và các siêu bão khiến mực nước biển dâng lên./.