Nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng từ 3-5 độ C vào năm 2100

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 12:18, 30/11/2018

(TN&MT) - Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết nhiệt độ toàn cầu đang tăng trong khoảng 3-5 độ C (5,4-9,0 độ F) trong thế kỷ này, vượt xa mục tiêu hạn chế nhiệt độ toàn cầu gia tăng đến 2 độ C hoặc thấp hơn.
Tổng thư ký Tổ chức khí tượng thế giới - Petteri Taalas tham dự một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 29/11/2018. Ảnh: Denis Balibouse
Tổng thư ký Tổ chức khí tượng thế giới - Petteri Taalas tham dự một cuộc họp báo ở Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 29/11/2018. Ảnh: Denis Balibouse

"Nồng độ khí nhà kính tiếp tục ở mức kỷ lục và nếu xu hướng này tiếp tục, chúng ta có thể thấy nhiệt độ tăng từ 3-5 độ C vào cuối thế kỷ" - Tổng thư ký Petteri Taalas cho biết trong tuyên bố hàng năm của WMO về tình trạng khí hậu.

"Nếu chúng ta khai thác tất cả các nguồn nhiên liệu hóa thạch đã biết, nhiệt độ sẽ tăng cao hơn đáng kể” - Petteri Taalas cho biết thêm.

Các nhà khoa học cho rằng điều quan trọng là hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến 2 độ C để ngăn chặn thời tiết khắc nghiệt hơn, mực nước biển dâng cao và mất mát các loài thực vật và động vật, mặc dù giới hạn mức tăng lên 1,5 độ C sẽ có lợi hơn rất nhiều.

Tại Hội nghị Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, các nước trên thế giới đã cam kết sẽ cùng nhau hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến 2 độ C, nhằm giảm triệt để việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính của sự nóng lên toàn cầu.

Từ ngày 3-14/12/2018, Hội nghị các bên Hiệp ước của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC COP24) sẽ được tổ chức tại thành phố Katowice của Ba Lan, tại một trong những khu vực khai thác than bị ô nhiễm nhiều nhất ở châu Âu.

Các cuộc đàm phán nhằm mục đích tạo ra một "cuốn sách quy tắc" về cách thực hiện Thỏa thuận Paris năm 2015, mà nước Mỹ, theo lệnh của Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ từ bỏ.

Theo chủ nhà Ba Lan của hội nghị, thành công sẽ cần một phép lạ.

Ông Taalas cho rằng mức thấp nhất của phạm vi, nhiệt độ tăng 3 độ C, xuất phát từ một mô hình giả định rằng các nước đã hành động theo cam kết của họ để đáp ứng các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.