Rừng Amazon đang bị phá hủy với tốc độ chưa từng thấy trong thập kỷ qua

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:14, 02/12/2018

(TN&MT) - Mới đây, Bộ Môi trường Brazil đã công bố dữ liệu cho thấy các ước tính sơ bộ về tỷ lệ phá rừng ở Amazon trong những năm vừa qua. Đó là những con số rất đáng buồn bởi chính con người đang chặt phá rừng cây và phá hủy đất đai ở mức độ chưa từng thấy trong thập kỷ qua.
Toàn cảnh từ trên không của một khu rừng Amazon gần đây đã bị chặt phá đến trơ trọi bởi những kẻ khai thác gỗ và nông dân gần thành phố Novo Progresso, Brazil vào ngày 22/12/2013. Ảnh: Reuters
Toàn cảnh từ trên không của một khu rừng Amazon gần đây đã bị chặt phá đến trơ trọi bởi những kẻ khai thác gỗ và nông dân gần thành phố Novo Progresso, Brazil vào ngày 22/12/2013. Ảnh: Reuters
 

Theo hình ảnh vệ tinh, khoảng 7.900 km2 rừng nhiệt đới Amazon của Brazil đã biến mất từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2018. Diện tích này gấp 5 lần diện tích của London, gấp 10 lần diện tích của New York, 75 lần diện tích của Paris, và tương đương khoảng 6,3 triệu lần diện tích của một hồ bơi tiêu chuẩn Olympic.

Con số ấy dĩ nhiên là rất lớn, nhưng điều quan trọng là nó lớn hơn diện tức rừng bị phá hủy trong 1 năm trước đó tới 13,7%. Cùng với đó, hơn 1,12 tỉ cây đã bị chặt hạ.

Đặc biệt, con số này lớn hơn diện tức rừng bị phá hủy trong 1 năm trước đó tới 13,7% và theo BuzzFeed, con số đó tương đương với khoảng 1,185 tỉ cây bị chặt hạ - một con số rất đáng lo ngại.

Theo Tổ chức Hòa bình Xanh, Amazon là khu rừng duy trì sự cân bằng khí hậu toàn cầu và phần lớn lượng phát thải khí nhà kính của Brazil là do việc phá rừng.

Edson Duarte - Bộ trưởng Bộ Môi trường Brazil cho rằng tình trạng phá rừng diễn ra ngày càng nghiêm trọng là do lâm tặc - những kẻ chặt phá rừng có tổ chức. Ngoài ra, ông cho rằng nạn buôn lậu vũ khí cũng là một nguyên nhân gây ra việc chặt phá rừng.

Bộ trưởng Môi trường Edson Duarte cho biết: “Ngoài việc tăng cường các hành động thực thi như chính phủ liên bang đã làm trong những năm gần đây, chúng ta cần tăng cường huy động sự vào cuộc của các cấp chính quyền, xã hội và khu vực sản xuất trong cuộc chiến chống vi phạm môi trường và bảo vệ sự phát triển bền vững của hệ sinh thái”.

Để có được kết quả này, Bộ Môi trường Brazil đã sử dụng các hình ảnh vệ tinh - những hình ảnh vốn được dùng để theo dõi các vùng đất bị chặt phá rừng lớn hơn 6,25 ha. Một khu vực được cho là bị phá hủy nếu lớp che phủ rừng nguyên sinh bị loại bỏ, bất kể khu đất đó sau đó được sử dụng để làm gì.