Lượng điện được sản xuất từ than đá của Ba Lan sẽ giảm 50% vào năm 2040

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 13:53, 03/10/2018

(TN&MT) - “Một phần hai sản lượng điện của Ba Lan sẽ đến từ than vào năm 2040 mặc dù sản xuất than vẫn ở mức hiện tại vì nhu cầu năng lượng theo dự kiến ​​sẽ tăng lên”, một quan chức cấp cao của chính phủ Ba Lan cho biết vào ngày 2/10.
1
Nhà máy điện Belchatow, nhà máy nhiệt điện than lớn nhất châu Âu do PGE Group điều hành được chụp gần Belchatow vào ngày 12/9/2018. Ảnh: Kacper Pempel
 

Ba Lan và Đức cùng chịu trách nhiệm về hơn một phần hai lượng khí thải CO2 của EU từ than đá.

Hiện nay, khoảng 80% sản lượng điện của Ba Lan được cung cấp bởi sự phát điện nhà máy đốt than. Ba Lan hướng tới cắt giảm một phần hai sản lượng điện từ than đá vào năm 2040, với năng lượng tái tạo và hạt nhân cung cấp phần lớn số còn lại và máy phát điện chạy bằng khí gas tạo ra nguồn dự trữ.

Hồi đầu năm nay, Ba Lan cho biết sẽ giảm tỷ trọng than trong sản xuất năng lượng của đất nước xuống 60% vào năm 2030 và khoảng 50% vào năm 2050.

“Chúng tôi muốn giữ mức sản xuất than ở mức hiện nay. Một số mỏ sẽ ngừng hoạt động nhưng nhu cầu năng lượng sẽ tăng. Tất cả sự chuyển đổi trong lĩnh vực này sẽ được hợp tác với Ủy ban châu Âu” - Piotr Naimski, người chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng năng lượng chiến lược nói với Reuters tại Hội nghị thượng đỉnh The future of Energy – Tương lai của Năng lượng diễn ra tại Thượng Hải do Bloomberg New Energy Finance (BNEF) tổ chức hồi cuối năm ngoái.

“Theo một kế hoạch dài hạn để tái cơ cấu ngành than, một số đơn vị điện đốt than lâu đời và gây ô nhiễm nhiều nhất có thể bị dừng hoạt động và thay thế bằng các đơn vị lớn hơn, sạch hơn và hiệu quả hơn”, Piotr Naimski nói thêm.

Ba Lan đang cân nhắc việc mở các mỏ than non mới - một chất trung gian giữa than bitum và than bùn - cùng với các đơn vị năng lượng đốt than mới sẽ mất khoảng 10 năm hoặc xây dựng một nhà máy hạt nhân gây tốn kém chi phí.

“Chúng tôi đang cân nhắc hướng đi. Các mỏ than non hiện tại sẽ kéo dài cho đến đầu những năm 2030” - Naimski nhấn mạnh.

Lựa chọn “sạch hơn”

Ba Lan sẽ tổ chức các cuộc đàm phán khí hậu của Liên Hợp Quốc vào năm nay tại thành phố mỏ Katowice, nơi thực hiện hiệp ước toàn cầu để hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Nghiên cứu của Climate Analytics hồi đầu năm nay cho biết, toàn bộ Liên minh châu Âu phải ngăn chặn kế hoạch công suất than bổ sung và đóng cửa các nhà máy hoàn toàn vào năm 2030 để hạn chế lượng khí thải carbon.

Tuy nhiên, Ba Lan cũng có kế hoạch cho năng lượng tái tạo. Ba Lan muốn có 8 gigawatts (GW) gió ngoài khơi được lắp đặt trong thời gian dài và đất nước này hiện đang có 6 GW gió trên bờ.

Đồng thời, Ba Lan đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga thông qua Dự án ống Baltic - một đường ống 10 tỷ mét khối/năm sẽ cung cấp khí tự nhiên từ Na Uy cho thị trường Đan Mạch và Ba Lan.

Việc xây dựng đường ống này sẽ bắt đầu vào năm 2020 và nguồn cung cấp khí đốt sẽ bắt đầu vào năm 2022 khi hợp đồng khí đốt của Ba Lan với Gazprom của Nga ​​kết thúc.

Ba Lan cũng sẽ mở rộng trạm khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vào năm 2021 và mở rộng mạng lưới truyền tải của đất nước.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo an toàn hơn việc cung cấp và đa dạng hoá các nguồn và các tuyến đường khí. Chúng tôi nhận được 100% khí đốt của chúng tôi từ Nga vì vậy chúng tôi đang tìm kiếm LNG và khí đốt từ Na Uy”, Naimski nhấn mạnh.