Người Indonesia tuyệt vọng chạy trốn khỏi vùng động đất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:09, 02/10/2018

(TN&MT) – Indonesia đang nỗ lực không ngừng để cứu trợ đảo Sulawesi – nơi vừa trải qua trận động đất khi những người sống sót rời khỏi ngôi nhà đổ nát và báo cáo về thiệt hại chưa tính đến các khu vực hẻo lánh.

 

Số người chết 844 người được xác nhận chắc chắn sẽ tăng lên khi lực lượng cứu hộ tiếp cận các khu vực dân cư xa xôi bị động đất mạnh 7,5 độ richter tấn công và gây ra sóng thần sau đó cao tới 6m.

 

Theo báo cáo, hàng chục người bị mắc kẹt trong đống đổ nát của một số khách sạn và một khu mua sắm trong thành phố nhỏ Palu, cách phía Đông Bắc thủ đô Jakarta 1.500 km. Hàng trăm người khác có thể đã bị chôn vùi trong vụ lở đất nhấn chìm các làng mạc.

 

Mối quan ngại đặc biệt dành cho Donggala - vùng có 300.000 người ở phía Bắc Palu và gần tâm chấn của trận động đất, và 2 quận khác – nơi thông tin liên lạc bị gián đoạn.

 

“Một người phụ nữ đã được cứu sống từ đống đổ nát trong đêm trong khu phố Balaroa của Palu, nơi có khoảng 1.700 ngôi nhà bị “nuốt chửng” khi trận động đất làm đất hóa lỏng” - Cơ quan cứu hộ thảm họa quốc gia Indonesia cho biết.

 

"Chúng tôi không biết chính xác có bao nhiêu nạn nhân bị chôn vùi nhưng ước tính khoảng hàng trăm nạn nhân", Sutopo Purwo Nugroho, phát ngôn viên của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai quốc gia Indonesia cho biết.

 

Tất cả 23 trong số các ca tử vong được xác nhận ở Palu - thành phố có khoảng 380.000 người, nơi công nhân đang chuẩn bị một ngôi mộ tập thể để chôn cất người chết ngay sau khi thi thể của họ được nhận dạng.

 

Gần 3 ngày sau trận động đất, mức độ của thảm họa vẫn chưa rõ ràng khi các nhà chức trách phải đối mặt với tình trạng số người thiệt mạng tăng nhanh - có thể đến hàng nghìn người.

 

Nhân viên cứu trợ Lian Gogali, người đã tới quận Donggala bằng xe máy cho biết hàng trăm người phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men nhưng các đội sơ tán vẫn chưa đến được và nhiều con đường bị chặn.

 

Phát ngôn viên Hội chữ thập đỏ Indonesia Aulia Arriani cho biết một nhà thờ ở khu vực Sigi, phía Nam Palu, đã bị chìm trong bùn và những mảnh vụn. Các quan chức cho biết khu vực này bị hóa lỏng khi trận động đất tạm thời làm mất ổn định đất.

 

"Các tình nguyện viên tìm thấy 34 thi thể bị vùi lấp trong đống bùn đất do sóng thần cuốn tới. Tất cả đều là trẻ em. Các em được tập trung ở một cơ sở tôn giáo để học tập, trước khi tai họa ập đến” - Arriani nói.

 

Sulawesi là một trong 5 hòn đảo chính của quốc đảo bị động đất và nằm trong các đường đứt gãy. Nhiều cơn dư chấn đã tàn phá khu vực.

Người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần chờ đợi được lên máy bay quân sự tại Sân bay Mutiara Sis Al Jufri ở Palu, Trung Sulawesi, Indonesia vào, ngày 1/10/2018. Ảnh: Athit Perawongmetha
Người dân địa phương bị ảnh hưởng bởi trận động đất và sóng thần chờ đợi được lên máy bay quân sự tại Sân bay Mutiara Sis Al Jufri ở Palu, Trung Sulawesi, Indonesia vào, ngày 1/10/2018. Ảnh: Athit Perawongmetha

Nhiều hình ảnh cho thấy nhiều miếng gỗ bị vỡ vụn, xe hơi bị cuốn trôi và cây cối bị nghiền nát, với những mái nhà và những con đường bị chia cắt. Đường hư hỏng, sạt lở đất và cầu sập khiến việc tiếp cận nhiều khu vực bị cản trở.

 

Hỗn loạn ở sân bay

 

Một nhân chứng Reuters cho biết hàng dài người chờ đợi tại các trạm xăng trên đường tới Palu kéo dài hàng dặm. Các đoàn tàu chở thực phẩm, nước và nhiên liệu chờ đợi cảnh sát hộ tống để ngăn chặn nạn trộm cắp trước khi tiến về thành phố.

 

Công ty điện lực quốc gia Indonesia cho biết họ đang vận chuyển bằng đường hàng không 4.000 lít nhiên liệu, trong khi cơ quan hậu cần của Indonesia cho biết sẽ gửi hàng trăm tấn gạo. Chính phủ đã phân bổ 560 tỷ rupiah (tương đương 37,58 triệu USD) để phục hồi.

 

Bộ trưởng an ninh Indonesia Wiranto cho biết hơn 2.800 binh sĩ đã được huy động và dự kiến sẽ điều động thêm 2.000 cảnh sát.

 

“Chính phủ Indonesia nhận sự giúp đỡ từ 18 quốc gia và cũng đã chỉ huy 20 máy xúc từ các mỏ và đồn điền để hỗ trợ các thiết bị đào đống đổ nát và đường bị chặn” – ông Wiranto cho biết thêm.

 

“Gần 60.000 người phải sơ tán, nhiều người sợ hãi bởi những cơn dư chấn mạnh và họ cần lều, nước và các thiết bị vệ sinh, trong khi công ty điện lực đang cố gắng khắc phục sự cố mất điện”, ông Wiranto nói.

 

Các chuyến bay thương mại vẫn chưa được phục hồi nhưng máy bay quân sự đã đưa mọi người ra khỏi Palu. Khoảng 3.000 người đổ xô ra sân bay nhỏ với hy vọng thoát khỏi Palu khiến các sĩ quan phải rất vất vả để ổn định trật tự tại sân bay.

 

“Tôi sẽ lên máy bay ở bất cứ đâu. Tôi đã chờ 2 ngày. Tôi không có gì để ăn và hầu như không có cả đồ uống” - Wiwid, nhà cung cấp thực phẩm 44 tuổi cho biết.

 

Đã xuất hiện nghi vấn về hệ thống cảnh báo thảm họa bị cho là đã không hoạt động hiệu quả khi động đất và sóng thần xảy ra, trong khi Indonesia thường xuyên phải đối mặt với thiên tai dạng này.

Phát ngôn viên của Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai quốc gia, Nugroho cho rằng các phao cảnh báo sóng thần, thiết bị dùng đo độ cao các con sóng đã ngừng hoạt động từ năm 2012. Theo ông, nguyên nhân là do thiếu kinh phí.

 

Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) bị chỉ trích vì rút cảnh báo sóng thần quá sớm, chỉ 34 phút sau khi phát cảnh báo. Tuy nhiên, giới chức trách cho biết sóng thần ập đến trong khi cảnh báo có hiệu lực.