Vỡ đập ở Myanmar gây ngập lụt 85 ngôi làng, hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 18:22, 30/08/2018
Các nhân viên cứu hỏa, quân đội và các quan chức đã huy động nỗ lực cứu hộ trong sự tuyệt vọng vào ngày 29/8 sau khi một đập thủy lợi tại lạch Swar ở miền Trung Myanmar vỡ, gây ra dòng thác lũ chảy qua nhiều làng mạc và các thị trấn lân cận là Swar và Yedashe.
“Vào sáng 30/8, nước đã rút đi, nhưng hai người vẫn còn mất tích và sợ rằng đã bị nước lũ cuốn trôi”, Min Thu, quan chức của thành phố Yedashe cho biết.
“Sau khi nước rút, những gia đình sống ở các khu vực cao hơn đã được phép trở về nhà" - ông Min Thu nói với Reuters.
Giao thông giữa các thành phố lớn của Myanmar như Yangon và Mandalay và thủ đô Naypyitaw đã bị gián đoạn sau khi lũ lụt làm hư hại cây cầu trên đường cao tốc nối các thành phố.
Điều tra nội bộ
Sau khi nước lũ rút đi, các chuyên gia đã tiến hành sửa chữa đập, đồng thời tiến hành điều tra nguyên nhân vỡ đập.
“Một ưu tiên là lấy nhiều nước vào hồ chứa nhất có thể trước mùa khô khi cần thiết cho tưới tiêu”, Kaung Myat Thein, một quan chức tại Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy lợi Myanmar cho biết.
"Tường chắn của đập tràn bị lún khoảng 1,2m dẫn đến sự cố tràn đập nhưng đập chính vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tôi vẫn kiểm tra con đập thường xuyên và không thấy có bất cứ dấu hiệu nào trước khi sự cố xảy ra", Kaung Myat Thein cho biết thêm.
“Những ngày trước khi vỡ đập, các nhà chức trách đã đưa ra thông tin rõ ràng về đập, có thể chứa 216.350 acre-feet nước, bất chấp mối lo ngại của người dân về tình trạng quá tải”, truyền thông đưa tin.
Thiệt hại nặng về hoa màu
Khi nước lũ rút đi, những người lớn tuổi tập trung tại Oo Yin HMU, ngôi làng có khoảng 1.000 người, cách phía hạ lưu chỉ một vài dặm để nhìn lại những thiệt hại do vỡ đập gây ra.
Những cánh đồng lúa trải dài từ rìa làng bị ngập nước. Zaw Zaw, người nông dân 45 tuổi đau xót cho biết: “Phải mất vài năm nữa tôi mới có thể trồng lại lúa”.
Theo Zaw Zaw, người dân sơ tán đến vùng đất cao hơn để thoát khỏi nước lũ, nhưng nhiều người mất nhà cửa và tài sản của họ và họ sẽ yêu cầu chính quyền khu vực bồi thường.
"Nhà tôi ở phía Bắc của ngôi làng và tất cả các ngôi nhà ở phía Bắc không còn nữa", Pan Ei Phyu, 24 tuổi, một người dân cho biết.
“Tất cả đất nông nghiệp của tôi giờ đã biến thành bùn. Tôi không còn đất hay gì nữa. Tôi không biết phải làm gì” - Pan Ei Phyu chia sẻ.
Thảm họa vỡ đập ở Myanmar đã làm dấy lên mối quan ngại về an toàn đối với các con đập ở Đông Nam Á bởi thảm họa này xảy ra chỉ sau một tháng đập thủy điện ở nước láng giềng Lào bị vỡ, làm hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và ít nhất 27 người thiệt mạng.