Tài chính “kết hợp” là chìa khóa để đạt được các mục tiêu BĐKH và bền vững toàn cầu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:19, 24/01/2018
Theo một nghiên cứu mới, việc chống lại BĐKH và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới sẽ đòi hỏi được tài trợ công khai và các ngân hàng cũng như các tổ chức khu vực tư nhân phải sẵn sàng tham gia lực lượng để cung cấp tài chính "kết hợp" cho các dự án.
Tài chính kết hợp là thuật ngữ cho việc sử dụng vốn nhà nước hoặc từ thiện để thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Hiện nay, thị trường tài chính này có giá trị khoảng 50 tỷ USD trên toàn cầu, nhưng ngày 23/1, các chuyên gia cho biết khoản tiền này có thể tăng gấp đôi trong vòng ba đến bốn năm tới.
Trong một báo cáo được trình bày ngày 24/1 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Ủy ban Kinh doanh và Phát triển Bền vững cho biết các nhà đầu tư trong khu vực tư nhân có thể tận dụng tài chính kết hợp để tiếp cận thị trường đang phát triển nhanh chóng ở các nước đang phát triển.
Ủy ban Kinh doanh và Phát triển Bền vững đã thành lập một nhóm đặc nhiệm để cân nhắc tài chính kết hợp và cách thức để khuyến khích tăng trưởng trong ngành. Trong báo cáo, nhóm đặc nhiệm nhận thấy có sự phân tán lớn trên thị trường và kêu gọi các nhà đầu tư nhà nước và tư nhân tập hợp nguồn lực của họ để tạo ra nhiều quỹ khổng lồ trị giá hơn 1 tỉ bảng Anh để tiếp quản các quỹ nhỏ hơn, khoảng 100 triệu USD hiện đang “làm chủ” khoản tài chính kết hợp.
Theo các chuyên gia, vẫn còn một vị trí cho các quỹ nhỏ hơn nhưng việc tạo ra các phương tiện tài chính rất lớn sẽ tạo điều kiện cho các dự án lớn có tiềm năng hiện nay.
Ông Malloch-Brown, cựu Thứ trưởng ngoại giao Anh, người đứng đầu Ủy ban Kinh doanh và Phát triển Bền vững cho biết: "Hành động cần tiến hành đến cùng trong toàn bộ hệ thống đầu tư để tăng cường sử dụng tài chính kết hợp nếu chúng ta nghiêm túc thực hiện thu hẹp khoảng cách về tài chính cho mục tiêu phát triển bền vững".
Ông Malloch-Brown cho rằng tăng thêm vốn tư nhân là cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng ở các nền kinh tế mới nổi.
Ủy ban Kinh doanh và Phát triển Bền vững cho biết thị trường tài chính kết hợp đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua và các nước đang phát triển trên thế giới mong muốn tận dụng các quỹ hiện có để ưu tiên đầu tư cho cơ sở hạ tầng nhằm tăng khả năng thích ứng với BĐKH và tạo ra sự phát triển kinh tế thân thiện với môi trường.
Ủy ban ước tính khoảng 6 nghìn tỷ USD một năm sẽ cần cho việc hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững, và phần lớn số tiền này có thể được đáp ứng bằng nguồn tài chính kết hợp, nếu thị trường này được thúc đẩy bởi các chính phủ và công ty.
Jeremy Oppenheim, người sáng lập Systemiq, một tổ chức tài chính tập trung vào phát triển bền vững, và Giám đốc chương trình của Ủy ban Phát triển Kinh doanh và Bền vững cho biết: “Các ngân hàng tư nhân và các tổ chức tài chính khác có thể được hưởng lợi bằng cách gom các nguồn lực của họ với các tổ chức thuộc khu vực công, như các ngân hàng phát triển”.
"Có một cơ hội cho các nhà đầu tư tổ chức tăng cường tiếp xúc với các cơ sở hạ tầng của thị trường mới nổi bằng cách tận dụng lợi thế của việc giảm thiểu rủi ro do tài chính kết hợp. Động lực đang tăng lên, thị trường tài chính kết hợp cũng có thể sẽ tăng gấp đôi trong vòng 3-4 năm tới” - Oppenheim cho biết thêm.
Các mục tiêu phát triển bền vững đã được LHQ thông qua hồi năm 2015 và bao gồm các mục tiêu về chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và các nguồn lực, và đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài của nhân loại. Tất cả các mục tiêu này sẽ được đáp ứng vào năm 2030.