Nỗi niềm nghề câu mực

Xã hội - Ngày đăng : 13:18, 21/07/2019

(TN&MT) – Nghề đi câu mực đêm ở các xã vùng biển ở Cửa Lò, Nghi Lộc… (tỉnh Nghệ An) đã có từ lâu đời. “Chính vụ” câu mực này, PV đã có cuộc hành trình trắng đêm với ngư dân ở xã Nghi Thiết để có thể hiểu thêm về cái nghề “cú đêm” với nhiều cơ cực, hiểm nguy, cùng biết bao nỗi niềm của ngư dân làng biển.

Câu mực là một “nghệ thuật”

Để có được những con mực nháy (còn gọi là mực nhảy) tươi ngon phục vụ cho nhu cầu của người dân cũng như du khách vào mùa hè, ít ai biết rằng ngư dân đã phải cơ cực, khó nhọc đến nhường nào. Để trải nghiệm cùng ngư dân, hiểu được những trăn trở, khó khăn trong công việc của họ, tôi đã quyết tâm ra khơi cùng những người dân làng biển Hòa Bình, xã Nghi Thiết (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).

Từ thuyền thúng để lên thuyền lớn ra khơi
Từ thuyền thúng để lên thuyền lớn ra khơi

Sau hơn 1 tháng liên hệ, một buổi sáng tháng 7/2019, chúng tôi nhận được cú điện thoại của ngư dân Võ Thế Lanh (SN 1974), ở xóm Hòa Bình, xã Nghi Thiết. “Hôm nay thời tiết đẹp, biển lặng, anh có thể đi với chúng tôi để câu mực rồi” – Đầu dây bên kia thông báo.

Vội vã sắp xếp công việc và chuẩn bị hành lý, chúng tôi có mặt tại xóm chài Hòa Bình vào 15h30 để nghe “thuyền trưởng” Lanh “phổ biến” những kiến thức cơ bản cho một chuyến đi biển. Theo anh Lanh, do biển tương đối lặng, thời tiết thuận lợi nên chuyến đi này anh sẽ đưa chúng tôi ra khơi chứ không câu trong lộng như thường lệ.

Thuyền viên Nguyễn Văn Bình (54 tuổi) – Người có 40 năm kinh nghiệm đi biển chuẩn bị mồi câu
Thuyền viên Nguyễn Văn Bình (54 tuổi) – Người có 40 năm kinh nghiệm đi biển chuẩn bị mồi câu

Trên bờ, anh Lanh dắt tay từng người trong nhóm câu lên chiếc thuyền thúng. “Từng người một ngồi đối diện nhau để thúng cân đối, không thuyền lật úp đấy nhé!” – Anh Lanh hướng dẫn.

“Cần thủ” Võ Thế Mạnh (em họ anh Lanh) vớ tay chèo bằng gỗ rồi thoăn thoát chèo chiếc thuyền thúng đưa cả nhóm ra con thuyền gỗ với công suất 30CV. Vớ dây neo, anh Mạnh giữ yên thuyền thúng để tạo thăng bằng, từng người trèo lên thuyền to, sau đó kéo từng thùng đồ đạc từ nước lọc, nước ngọt, mì tôm, bánh mì và một số đồ ăn nhanh khác lên bong thuyền.

Thuyền trưởng Võ Thế Lanh hoàn tất công tác chuẩn bị dàn đèn
Thuyền trưởng Võ Thế Lanh hoàn tất công tác chuẩn bị dàn đèn

Sau một hồi “quay cuồng”, chiếc tàu của thuyền trưởng Lanh ghé sát một thuyền khác rồi dừng lại. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nhạc nhiên, anh Lanh nói: “Phải đổ dầu chứ. Mỗi chuyến đi câu xuyên đêm thế này phải đổ khoảng 600-700 nghìn đồng tiền dầu mới đủ. Thêm khoản khác khoảng 100 nghìn nữa là cả chuyến đi “ngốn” của tớ hết 800 nghìn chi phí ban đầu đấy Nhà báo”.

Mất khoảng 10 phút tiếp nhiên liệu, chiếc thuyền câu của cả nhóm 6 người rồ máy thình thịch, khói dầu máy đen kịt phát ra từ buồng đốt khét lẹt, chiếc thuyền tăng tốc hướng ra khơi. Hôm ấy, theo ngư dân là biển lặng, nhưng thực tình với một người mới lần đầu ra khơi như tôi thì cảnh tượng ngồi trên con tàu 30CV lướt như bay với từng đợt sóng làm chiếc thuyền chao đảo lắc lư và trở nên nhỏ bé giữa biển cả mênh mông là một trải nghiệm thú vị, xen lẫn cảm giác “ngợp”, thót tim mỗi khi cơn sóng lớn ập vào mạn thuyền. Cảm giác nôn nao, mệt lừ…

Các “cần thủ” mỗi người một góc lặng lẽ ngồi câu
Các “cần thủ” mỗi người một góc lặng lẽ ngồi câu

Khoảng hơn 17h, chiếc thuyền giảm tốc và từ từ dừng lại. Ba thuyền viên trong đoàn là anh Mạnh, anh Bình và anh Hữu nhanh chân ra mũi thuyền để thả neo tàu. “Đây là địa điểm ta sẽ câu mực. Cách đất liền 11,8 hải lý (tức khoảng trên 20km - PV)” – Anh Lanh, thông báo.

Sau khi được neo cẩn thận, dù sóng vẫn khá to nhưng thuyền đã đỡ lắc lư, chao đảo. Các “cần thủ” mỗi người đem ra một cái cần bằng tre, dài chừng 2m. Kèm một cuộn dây cước loại nhỏ nhưng khá dài và một con dao nhỏ, một rổ mồi giả với khoảng chừng 40-50 lưỡi câu.

Một con mực ống dính câu anh Võ Thế Lanh
Một con mực ống dính câu anh Võ Thế Lanh

Tay vừa thoăn thoắt buộc dây câu, anh Lanh vừa hướng dẫn: “Mồi câu mực hoàn toàn là mồi giả. Thường thì là giả tôm hoặc thứ gì đó tròn tròn có màu sắc sặc sỡ, xung quanh là 7 lưỡi câu hình thành nên một chùm, họ còn gọi là lưỡi câu chùm. Khi thả câu xuống thì các hình thù sặc sỡ, phát quang của mồi sẽ gây thu hút con mực, thậm chí là cả cá nóc. Khi con mực tiến đến bám các xúc tu vào lưỡi câu sẽ bị dính chặt. Khi đó, cần thủ chỉ việc từ từ kéo con mực lên”.

Theo anh Lanh, câu mực là cả một nghệ thuật. Ngoài có kinh nghiệm để chọn thời tiết, thời điểm thì quá trình giữ cần, thả mồi cũng rất quan trọng. Thường thì “cần thủ” sẽ phải kéo cần và dây câu để mồi câu chuyển động một cách nhịp nhàng mới gây sự chú ý để thu hút con mực đến bám mồi câu. Ngoài ra, việc thả dây câu ở mức độ phù hợp với độ sâu của tầng mực (thường thì từ 3-4m – PV) cũng hết sức quan trọng.

Nỗi niềm ngư phủ

Rạng đông, những ánh nắng cuối hè dần khuất dưới mặt biển mênh mông, gợn sóng. Gió cũng lặng dần. Trên thuyền, mỗi góc một “cần thủ” ngồi lặng lẽ, tay thoăn thoát ném những chiếc mồi câu ra xa rồi thuần thục kéo cần theo nhịp sóng lên xuống rất đều đặn. Ánh mắt của họ tập trung quan sát xung quanh, không khí khá yên ắng. Công việc “săn mồi” của các “cần thủ” chính thức bắt đầu.

Niềm vui “cần thủ”
Niềm vui “cần thủ”

Mặt trời đã khuất hẳn dưới biển, xung quanh như có chiếc mền màu đen xám kéo về. Dù có căng mắt nhìn thì đảo Hòn Mắt cách đó khoảng vài hải lý cũng chỉ thấy thấp thoáng như một vật gì đen đen phía xa xăm. Chỉ còn thấy rõ những ánh đèn của các tàu cá, tàu câu mực đêm trên biển.

Dưới ánh đèn ở 4 góc thuyền đang sáng quắc mới được thuyền trưởng Lanh bật lên, “cần thủ” Võ Thế Mạnh cười sảng khoái, reo lên sung sướng: “Khai cần rồi nhé!”. Một con mực ván to bằng nửa bàn tay đã dính câu, tiếng mực kêu chin chít như tiếng con Dơi săn mồi đêm.

Thành quả xuyên đêm của 4 “cần thủ” là hơn 6kg mực
Thành quả xuyên đêm của 4 “cần thủ” là hơn 6kg mực

Sau màn “khai cần”, không khí trở nên hăng hái hơn nhưng cũng khoảng 10 phút sau thì lần lượt thuyền trưởng Lanh, anh Hữu, anh Bình mới câu được con mực đầu tiên. “Con mực sim nhỏ thì để vào chiếc xô đựng sẵn nước biển bên cạnh, con mực ống to thì bỏ trong chiếc bể dưới khoang thuyền. Vì giá cả của 2 loại mực là khác xa nhau” – Anh Hữu giải thích cho PV.

Trong không khí tĩnh lặng, anh Võ Thế Mạnh, vừa thoăn thoắt câu nhưng vẫn cố ngoái sang tâm sự: “Cái nghề này nó vất vả lắm. Tuy không phải mang vác gì cho nặng nhọc nhưng thật sự đòi hỏi sự kiên trì và phải có thể thức đêm. Chú xem chứ ta bắt đầu đi từ lúc 15h30 chiều hôm nay thì phải đến ít nhất 6h sáng hôm sau mới vào đến đất liền, ít nhất phải mất 14 – 15 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển”.

Thành quả của chuyến câu mực đêm được đem bán tại chợ hải sản Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) với mỗi người vẻn vẹn chưa đến 300 nghìn đồng
Thành quả của chuyến câu mực đêm được đem bán tại chợ hải sản Nghi Thủy (thị xã Cửa Lò) với mỗi người vẻn vẹn chưa đến 300 nghìn đồng

Khoảng 22h, anh Lanh cho rằng địa điểm đang câu mực quá ít nên đã yêu cầu anh em thuyền viên nhổ neo để tìm vị trí khác cách đó khoảng vài hải lý. Sau khi neo tàu cẩn thận, công việc câu mực lại tiếp diễn. Có vẻ địa điểm mới cách đất liền khoảng hơn 6 hải lý mực nhiều và con to hơn nhưng cũng phải mất chừng 10 phút một “cần thủ” mới giật được một con mực ống ném vào khoang thuyền.

Đang yên ắng, anh Lanh bỗng thả cần câu rồi chỉ tay về phía xa, nói: “Chú có nhìn thấy các thuyền đi song song nhau đó không? Giã cào và xung điện cả đấy”.

Theo phản ánh của anh Lanh và nhiều chủ tàu đánh bắt hải sản trong lộng (đánh bắt gần bờ) thì thời gian gần đây có rất nhiều tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ từ Thanh Hóa và một số vùng khác đến đánh bắt tại khu vực biển Cửa Lò và Nghi Lộc. Hầu hết các tàu thuyền này đều sử dụng giã cào và xung điện để đánh bắt theo kiểu tận diệt, vào tận sát bờ khiến cho lượng hải sản ở vùng biển này cạn kiệt nhanh chóng.
 

Nỗi biền của ngư dân Nguyễn Văn Bình khi nhìn những tàu giã cào, xung điện đang tận diệt hải sản
Nỗi biền của ngư dân Nguyễn Văn Bình khi nhìn những tàu giã cào, xung điện đang tận diệt hải sản

“Hai chiếc tàu giã cào nó đi song song cách nhau khoảng mấy trăm mét và kéo theo lưới chỉ cách đáy biển khoảng 0,8m. Chú hỏi còn loài sinh vật gì không vào trong ổ lưới của các tàu này? Còn tàu xung điện đi qua thì coi như các loại hải sản chết hết từ trong trứng nước” – Thuyền viên Hữu, lắc đầu ngao ngán cho biết.

Mới sinh năm 1974 nhưng nom anh Võ Thế Lanh già nua, đen đúa. Do không bỏ được nghề đi biển anh đã theo từ năm lên 14 tuổi nên đã bàn với vợ mua chiếc thuyền hơn 200 triệu, sắm thêm ngư cụ nữa là ngót 300. Đây là “cần câu cơm” của gia đình anh với 6 miệng ăn gồm vợ chồng anh và 4 đứa con đang tuổi học hành.

“Mấy năm trước tôi tính đi nước ngoài làm thuê nhưng vì yêu biển quá, không bỏ được nghề biển đã gắn bó với ông cha từ bao đời nay. Đi biển giờ vất vả khi hải sản đã cạn kiệt vì nạn đánh bắt giã cào và xung điện. Mong sao các ngành chức năng vào cuộc xử lý nạn đánh bắt tận diệt này để những ngư dân chân chính như chúng tôi có nơi để lao động, kiếm cơm nuôi gia đình” – Thuyền trưởng Võ Thế Lanh, kiến nghị.

Đến 5 giờ sáng, chiếc thuyền nhổ neo trở về với đất liền. Hơn 1 giờ sau, chúng tôi về tới cảng cá Nghi Thủy (Thị xã Cửa Lò). Thành quả 14 giờ lênh đênh trên biển của 4 ngư dân là hơn 6 kg mực, phần lớn còn sống, bán được 2,1 triệu đồng. Trừ 800.000 đồng tiền dầu chạy thuyền, còn lại được chia đều cho 5 phần (chủ thuyền Lanh được 2 phần), mỗi người gần 300.000 đồng.

Công việc xong xuôi, các thuyền viên lẫn chủ thuyền nhanh chóng về nhà. Với họ, cả buổi sáng sau đó là giấc ngủ thay đêm. Đầu giờ chiều, công việc chuẩn bị cho một chuyến ra khơi lại bắt đầu…

Đại úy Phạm Văn Thanh – Trạm trưởng Biên phòng Cảng Cửa Lò cho biết, hiện nay có tình trạng tàu công suất lớn của địa phương khác đến đánh bắt gần bờ bằng giã cào và xung điện ở Nghi Lộc và Cửa Lò khiến nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt nhanh chóng. Lực lượng Biên phòng và các cơ quan chức năng đã theo dõi, bắt giữ và xử lý nhiều vụ nhưng vẫn không ngăn chặn được hết vì hầu như họ đánh bắt vào đêm khuya rất khó phát hiện.