Số lượng hay chất lượng?

Xã hội - Ngày đăng : 11:30, 11/07/2019

(TN&MT) - Hôm nay, Ngày Dân số thế giới 11/7, chúng ta đang có trên 7 tỷ người và đang trong cuộc đại chuyển đổi nhân khẩu toàn cầu. Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2019 của UNFPA chỉ rõ, thế giới có 7,7 tỷ người, tăng gần 100 triệu người so với năm 2018.
gia tang dan so
Theo Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2019 của UNFPA chỉ rõ, thế giới có 7,7 tỷ người, tăng gần 100 triệu người so với năm 2018. Ảnh minh họa

Chưa lúc nào hành tinh xanh của chúng ta phải tiếp nhận đông đúc dân cư như lúc này. Mỗi năm, Trái đất đón thêm khoảng 80 triệu dân, tức mỗi ngày, có khoảng 220.000 người đến sinh sống. Với nhịp độ này, dân số thế giới sẽ tăng vọt từ 7,7 tỷ người hiện nay lên thành 8 tỷ ngay từ năm 2022, để đạt mức 10 tỷ vào năm 2050.

Với những ai lo lắng cho tác động của dân số đối với môi trường, nhất là lo sợ trước tình trạng biến đổi khí hậu, một câu hỏi được đặt ra: Phải chăng cách thức bảo vệ hành tinh tốt nhất là nên có số người sống trên Trái đất ít hơn?

Và Liên Hợp Quốc cũng từng đưa ra cảnh báo, gia tăng dân số đã gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường Trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu của con người. Gia tăng dân số cơ học tạo ra các nguồn thải, trong đó, có rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là mối lo chung của toàn cầu.

Người dân khắp các châu lục sinh sống, làm việc và nghỉ mát ngày càng có thiên hướng đổ xô đến bờ biển. Chất thải nhựa theo các cơn thủy triều ngày càng nhiều chưa từng có. Cảnh tượng túi ni lông, đồ nhựa xô bờ chỉ là khúc “dạo đầu” của câu chuyện ô nhiễm trầm trọng dưới lòng đại đương. Và nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ đất liền.

Trên toàn thế giới, rác thải nhựa tăng đáng kinh ngạc. Hàng tấn mảnh vụn nhựa bị loại bỏ mỗi năm, ngập tràn khắp mọi nơi khiến đất ô nhiễm, sông ô nhiễm, bờ biển, bãi biển và đại dương chìm trong ô nhiễm. Mỗi năm, thế giới thải ra 300 triệu tấn rác thải nhựa, gần 1/3 số túi ni lông con người thải ra không được thu gom và xử lý. Hơn 9,1 tỷ tấn rác thải nhựa đang tích tụ trên Trái đất. Tính trung bình, mỗi phút thế giới thiêu thụ 1 triệu chai nhựa… 8 triệu tấn nhựa đi vào lòng đại dương.

Cũng giống như các mối đe dọa khác của môi trường đối với con người, cơn khủng hoảng ô nhiễm nhựa là do chính con người gây ra và cũng chính con người phải hứng chịu.

Những nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, vi hạt nhựa ẩn chứa các nguy cơ đến phổi, đường hô hấp. Khi hạt vi nhựa hòa vào nguồn nước, chúng sẽ hấp thụ chất độc trong nước và trở nên cực kỳ độc. Cá, chim và nhiều loài thủy sinh khác nhầm lẫn là thực phẩm và ăn vào. Vì đặc tính không tan và khó phân hủy nên có hàng nghìn phân tử hạt vi nhựa bị tích lại trong cơ thể thực vật, động vật. Sau đó đến lượt chúng bị ăn theo chuỗi thức ăn và con người là... "bến đỗ" cuối cùng trong chuyến hành trình của các hạt vi nhựa.

 Tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi, mỗi năm mỗi người đưa vào cơ thể 39.000 tới 52.000 hạt vi nhựa. Nếu tính cả các phân tử nhựa trong không khí, con số này có thể từ 74.000 - 121.000 hạt, theo báo cáo của đại học Victoria vừa công bố tháng 6/2019.

Với những gì con người đang ứng xử tiêu cực với môi trường sống, chúng ta đang mắc nợ sinh thái. Và hôm nay, nếu chúng không được trả ngay sẽ tích tụ lại trở thành gánh nặng lớn đẩy thế hệ tương lai vào một cuộc “khủng hoảng sinh thái”, một cụm từ đã được các chuyên gia môi trường nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.

Và lúc đó, liệu Trái đất có đủ chứa và nuôi hết 10 tỷ người dân hay không? Có lẽ chính cách sống của con người mới là điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của hành tinh. Tiêu thụ ít và tránh lãng phí là những phương cách bảo vệ môi trường hữu hiệu nhất.