Đến năm 2020, quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn
Xã hội - Ngày đăng : 14:14, 11/07/2019
Năm 2009, khi bắt đầu triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp, có khoảng 6 triệu người tham gia, với số thu là 3.500 tỷ đồng. Năm 2018 đã có 12,680 triệu người tham gia, với số thu là 15.531 tỷ đồng, tăng trên 100% về số đối tượng và 342% về số thu vào quỹ. Kết dư quỹ hiện khoảng trên 79.000 tỷ đồng. Dự báo đến năm 2020, quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.
Đánh giá về chính sách này, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, bảo hiểm thất nghiệp ra đời đã bảo vệ, bù đắp những tổn thất về mặt tài chính cho người lao động và giúp họ có khả năng cũng như cơ hội quay lại thị trường làm việc.
Khi người lao động bị mất việc, chủ doanh nghiệp không phải mất phí trợ cấp mất việc làm cho người lao động nên họ sẽ sử dụng nguồn lao động thoải mái hơn, tạo động lực phát triển sản xuất. Cũng nhờ có bảo hiểm thất nghiệp mà gánh nặng ngân sách của nhà nước khi có thất nghiệp xảy ra được giảm bớt.
Chỉ tính riêng năm 2018, có 773.387 người nộp hồ sơ; 763.573 người (98,7%) đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; có khoảng 1,39 triệu lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm; 37.977 người được hỗ trợ học nghề để có thể chuyển đổi việc làm.
Mặc dù có nhiều ưu điểm, nhưng hiện nay, nhận thức về bảo hiểm thất nghiệp của một số người lao động và người sử dụng lao động còn chưa cao. Công tác quản lý lao động ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa có đủ công cụ để quản lý lao động nên rất khó kiểm soát tình trạng việc làm của người lao động. Do đó, vẫn còn trường hợp người lao động vừa đi làm, vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nêu giải pháp khắc phục những tồn tại trên, ông Lê Quang Trung cho hay, trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng không chỉ các giải pháp xử lý hậu quả đối với người thất nghiệp thông qua việc chi trả trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm mà cần xây dựng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp.
Cụ thể, các giải pháp sẽ được thực hiện thông qua hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã hội cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ.