Kiểm soát cơ sở giết mổ nhỏ lẻ: Đang bị bỏ ngỏ
Xã hội - Ngày đăng : 13:45, 05/07/2019
Nguy cơ lây lan dịch bệnh
Sau hơn 4 tháng thâm nhập vào địa bàn Hà Nội, DTLCP đã xảy ra tại 25.977 hộ chăn nuôi, làm mắc bệnh và tiêu hủy 446.762 con với trọng lượng 30.653 tấn, ước tính thiệt hại lên tới cả nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, DTLCP còn gây nguy cơ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng thừa nhận, có nhiều nguyên nhân gây bùng phát, lây lan DTCLP, trong đó tình trạng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hoạt động tràn lan không phép là một trong những nguyên nhân lây lan dịch bệnh.
Đáng lo ngại, hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công diễn ra rải rác trong các khu dân cư. Các cơ sở này đều không đảm bảo điều kiện theo quy định, dẫn đến việc quản lý đàn lợn nhập về rất khó.
Trong khi đó, việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y còn nhiều bất cập. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động, vì vậy cơ quan thú y không thể vào kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y.
Hiện, toàn TP có 1.070 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm, tuy nhiên trong đó chỉ có 168 cơ sở được cấp giấy phép kinh doanh, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ hoạt động không phép. Các cơ sở này thường nhập lợn từ nhiều nơi khác nhau và không có giấy kiểm dịch. |
Sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ với chi phí giết mổ thấp dẫn tới khó kiểm soát và gây khó khăn cho các cơ sở giết mổ công nghiệp. Trong khi đó, nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi đã trực tiếp nuôi dưỡng cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.
Cần cấp giấy chứng nhận tạm thời
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, thời gian qua, đơn vị đã và đang thực hiện nhiều giải pháp về quản lý, giám sát dịch bệnh; thành lập các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt tại các chợ đầu mối.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng TP kiểm tra, ngăn chặn, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y...
Tại các quận, huyện, thị xã, các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ, trong đó tập trung vào các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Từ năm 2018 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã phối hợp với cơ quan chức năng các quận, huyện, thị xã xử lý 1.200 trường hợp vi phạm.
Theo ông Sơn, để ổn định thị trường và kiểm soát dịch bệnh, các địa phương cần kiểm tra, yêu cầu các cơ sở cải tạo, nâng cấp dây chuyền giết mổ gia súc, sau đó cấp giấy chứng nhận giết mổ tạm thời. Đồng thời kiểm soát chặt đầu vào của các cơ sở, chỉ được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh DTLCP từ cơ sở chăn nuôi lợn ở trong vùng dịch, ngoài vùng dịch thuộc phạm vi trong và ngoài địa bàn.
Lợn được vận chuyển, đưa vào cơ sở giết mổ phải bảo đảm theo quy định của Luật Thú y và các văn bản liên quan; không vận chuyển lợn đến các điểm thu gom tập trung để giảm thiểu nguy cơ lây lan mầm bệnh DTLCP.
Trường hợp lợn có nguồn gốc từ tỉnh khác vận chuyển đến cơ sở giết mổ, ngoài yêu cầu kiểm tra âm tính với mầm bệnh DTCLP, lợn phải được kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định.
Đồng thời, các tổ kiểm tra liên ngành và các xã, phường, thị trấn kiên quyết xử lý đối với các phương tiện vận chuyển lợn về cơ sở giết mổ không đúng với địa chỉ cơ sở ghi trong giấy kiểm dịch; tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì phương tiện vận chuyển, đánh tráo số lượng lợn…