Hơn 5 vạn thí sinh khó khăn được tiếp sức trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019

Xã hội - Ngày đăng : 18:25, 03/07/2019

(TN&MT) - Hơn 5 vạn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 1.980 điểm thi trên cả nước được hỗ trợ, tiếp sức trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019.
Anh Anh Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị
Anh Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn phát biểu tại Hội nghị

Thông tin trên vừa được nêu ra tại Hội nghị tổng kết chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2019 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ở Quảng Nam vào ngày (3/7).

Theo đó, chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2019 được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và thu hút sự tham gia, hưởng ứng, đồng tình của người dân trên khắp cả nước. 

Cụ thể, chương trình năm nay có tổng cộng 344 đội tình nguyện cấp tỉnh, 2.548 đội tình nguyện cấp cơ sở với 55.404 tình nguyện viên tham gia.

Đặc biệt, chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2019 hỗ trợ cho hơn 5 vạn thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 1.980 điểm thi trên cả nước với 100.121 suất ăn, 489.223 chai nước, 11.453 cẩm nang, bản đồ được phát miễn phí cho thí sinh và người nhà. Tống kinh phí của chương trình lên đến 13 tỷ đồng.

Hoạt động “Tiếp sức mùa thi” mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc
Hoạt động “Tiếp sức mùa thi” mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc

Ngoài ra, hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn ở các điểm thi cũng diễn ra cực kì tốt. Cả nước có 1.093 đội hình đưa đón thí sinh miễn phí với 11.343 tình nguyện viên hỗ trợ thí sinh di chuyển.

Anh Bùi Quang Huy - Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam cho hay, với 13.566 tình nguyện viên tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, kết hợp với các bệnh viện, trạm y tế địa phương trong việc xử lý các tình huống bất ngờ đã góp phần không nhỏ giúp kỳ thi THPT Quốc gia 2019 diễn ra tốt đẹp, đạt hiệu quả cao.

“Qua 18 năm tổ chức, chương trình “Tiếp sức mùa thi” mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được xã hội ghi nhận và tiếp tục sẽ đồng hành với thí sinh, người nhà thí sinh trong những năm tới. Tuy nhiên, để phù hợp với hình thức tổ chức của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hiện nay, chương trình phải có sự thay đổi như: đội hình tình nguyện bố trí số lượng tình nguyện viên vừa đủ, linh động giữa các môn thi; dừng hoạt động phát bản đồ đi lại, che ô cho thí sinh; hạn chế bố trí xe ôm tình nguyện trước cổng điểm thi. Thay vào đó, nhân rộng những mô hình hỗ trợ thiết thực như nấu cơm cho thí sinh tại các điểm thi ở khu vực miền núi, hỗ trợ thí sinh ôn tập trước kỳ thi…”- anh Bùi Quang Huy nhấn mạnh