Quá tải và hệ lụy
Xã hội - Ngày đăng : 12:20, 27/06/2019
Tại Hội nghị phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phải thốt lên: Tỷ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong vùng.
Đây thực sự đang là một thách thức lớn đối với mục tiêu phát triển bền vững của chúng ta. Thử lấy ví dụ với hệ thống giao thông công cộng, một phương tiện thiết yếu với sự vận hành của đô thị lớn: nguy cơ sức khỏe của người dân bị “tấn công” ngay trên các phương tiện tham gia giao thông (xe buýt, taxi, tàu điện …) rất lớn bởi những tác nhân gây bệnh lan tỏa vào mạng lưới giao thông.
Không chỉ vậy, quá trình nóng lên của Trái đất hay mất tầng ô zôn dường như cũng góp thêm tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Hiện tượng này tạo điều kiện thuận lợi cho các loài côn trùng mang mầm bệnh và sự phát tán của bệnh tật làm tăng nguy cơ dị ứng (như dị ứng đường hô hấp ở các vùng đô thị) cũng làm lan truyền một số bệnh vốn chỉ xuất hiện tại một số khu vực có điều kiện khí hậu nhất định. Sự lan truyền của một số loại bệnh có tính lây nhiễm cao đang trở thành mối lo ngại với các nhà chức trách đô thị lớn.
Một nguy cơ khác đối với sức khỏe con người xuất hiện thường xuyên ở các đô thị là hiện tượng nhiệt độ tăng đột biến. Thống kế của các tổ chức trên thế giới cho thấy, nạn nhân chủ yếu là những người lớn tuổi với hơn 70% trường hợp có độ tuổi 75 - 95 tuổi. Các đô thị lớn cũng làm tăng thêm mức độ nghiêm trọng của các đợt nóng tại đây, các công trình xây dựng làm tích tụ nhiệt độ trong khi quá trình tỏa nhiệt ban đêm lại bị hạn chế, các tòa nhà làm cản gió hay các hoạt động công nghiêp lại xả rất nhiều nhiệt.
Công nghiệp hóa, gia tăng dân số, tình trạng di dân đến các đô thị lớn, sự bùng nổ các hoạt động xây dựng cùng sự gia tăng đáng kể của các phương tiện giao thông cơ giới đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và di sản văn hóa đô thị. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa cao nhưng không đi kèm với quy hoạch đô thị bền vững dẫn đến những hệ lụy, như việc chuyển đổi một diện tích lớn đất nông nghiệp và ao hồ thành đất xây dựng đô thị ảnh hưởng đến phát triển nông nghiệp, an ninh lương thực… cũng như khả năng chống chịu của đô thị với biến đổi khí hậu. Ngay với TP. Hà Nội, trung bình mỗi năm dân số dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Mật độ dân số trung bình của TP. Hà Nội khoảng 2.100 người/km2, cao hơn rất nhiều so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 100 - 200 người/km2). Đây là một thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô.
Như vậy, các hệ lụy xấu đến sức khỏe của con người ở những đô thị lớn càng đa dạng so với việc thay đổi khí hậu toàn cầu. Trên thế giới, ngoài cơ chế và giám sát bệnh dịch, thuộc thẩm quyền của Nhà nước, chính quyền nhiều thành phố đã triển khai nhiều biện pháp đối với nhóm dân cư dễ bị tác động bởi các nguy cơ.
Tại Việt Nam, đã có những quy định để ứng phó với các mối nguy do sự thay đổi của thời tiết (nóng quá hay lạnh quá người dân sẽ được nghỉ) nhưng điều này mới chỉ là các giải pháp tình thế, những ứng phó cụ thể với các phương tiện hiện đại hỗ trợ cho con người còn rất thiếu vắng. Bởi thế, với những gì đang diễn ra, đã đến lúc, cần đưa những nguy cơ trên vào các kế hoạch khẩn cấp.