Đan Phượng (Hà Nội): Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi – Gắn trách nhiệm của người đứng đầu
Xã hội - Ngày đăng : 07:46, 22/06/2019
Cụ thể theo ông Nguyễn Thạc Hùng bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra đầu tiên vào ngày 6/4/2019 tại hộ ông Nguyễn Quốc Bình, khu chăn nuôi tập trung thôn La Thạch, xã Phương Đình. Ngay khi phát hiện dịch bệnh trên địa bàn, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch; thành lập Ban chỉ đạo, các Tổ công tác, Tổ kiểm tra; lập các chốt kiểm dịch trên địa bàn toàn huyện.
Chủ động cập nhật thông tin và tích cực tuyên truyền sâu rộng để nâng cao nhận thức trong cộng đồng. Tổ chức các hội nghị khẩn cấp về phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi với Ban chỉ đạo phòng chống dịch, các phòng ban ngành chuyên môn ở huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn. Hướng dẫn tổ chức, triển khai phòng chống dịch bệnh, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh đến từng hộ, thôn xóm nhằm kịp thời khoanh vùng, khống chế xử lý dứt điểm.
Tuy nhiên, do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, nhiều huyện giáp với Đan Phượng đã xảy ra dịch, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên dịch có chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng. Theo thống kê của UBND huyện Đan Phương đầu tháng 6 vừa qua, dịch bệnh đã xảy ra tại 578 hộ chăn nuôi của 16 xã, thị trấn. Số lượng lợn phải tiêu hủy là 13.534 con, khối lượng là 1.115,5 tấn.
Nguyên nhân của tình trạng trên một phần đến từ công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển có nơi chưa chặt chẽ; địa điểm tiêu hủy chưa chuẩn bị tốt, việc tiêu hủy lợn với số lượng lớn ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn có hộ vứt xác lợn rà môi trường và do mưa trong thời gian từ 30/ 4 đến tháng 5 làm phát tán vi rút gây bệnh.
“Trường hợp này xảy ra tại xã Hồng Hà, do hộ dân nhận thức kém, chủ quan nghĩ lợn con chết là do thời tiết giao mùa nên đã vứt xác lợn xuống mương nước. Chúng tôi đã xử lý triệt để, phê bình chủ tịch xã Hồng Hà trách nhiệm trong tuyên truyền cho người dân” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói.
Ngoài ra theo ông Nguyễn Thạc Hùng, hiện trên địa bàn huyện chưa có xã nào hết dịch. Huyện đang tập trung chỉ đạo giám sát các cơ cở có dịch, nghiêm cấm tái đàn, đồng thời tuyên truyền để người dân chuyển đổi vật nuôi. Huyện cũng hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân phải tiêu hủy lợn một cách kịp thời, tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi kinh tế, đảm bảo cuộc sống.
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh dịch tả châu Phi, Thường trực huyện ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến xã thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm theo Thông báo số 1962-TB/TU ngày 23//2019 của Thường trực Thành ủy Hà Nội về công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Căn cứ hướng dẫn của Sở Tài chính Hà Nội, UBND huyện đã hỗ trợ 3 đợt tiêu hủy lợn (từ ngày 7/4 – 21/5/2019) cho 178 hộ với tổng số tiền là 9,6 tỷ đồng. Đợt 4 (từ ngày 21 – 27/5/2019) hỗ trợ tiêu hủy cho khoảng 100 hộ với tổng số tiền là 6 tỷ đồng và mới nhất gần đây trong đợt 5 đợt UBND huyện đã tổ chức tiêu hủy lợn cho 278 hộ với số tiền là 15,6 tỷ đồng. Công tác hỗ trợ người dân được thực hiện kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng và theo quy định của thành phố.
Đặc biệt trong thời gian tới, UBND huyện Đan Phượng xác định sẽ tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện các quy định 5 không, 4 tại chỗ … trong phòng, chống bệnh dịch tả châu Phi để bảo đảm đời sống cho người dân chăn nuôi.