Khí tượng thủy văn - vẹn nguyên một tình yêu

Xã hội - Ngày đăng : 16:50, 20/06/2019

(TN&MT) - Bén duyên với Báo Tài nguyên và Môi trường gần 5 năm, được đi công tác, được trải nghiệm công việc ở hầu hết các lĩnh vực của ngành, mỗi tên đất, tên người đều ít nhiều để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Trong 5 năm ấy, điều đọng lại hơn cả trong tôi là công việc, tình yêu của “người khí tượng thủy văn”.
Tr chuy n
Tác giả trò chuyện với quan trắc viên trên đảo Lý Sơn

1 - Tôi nhớ như in ngày “ôm” hồ sơ xin về Báo Tài nguyên và Môi trường, ngày 15/7/2014. Không cần đọc, Tổng Biên tập của Báo khi đó - anh Hoàng Văn Thành (nay anh đã ở một nơi rất xa) sau khi nghe tôi báo cáo sơ qua về quá trình công tác của tôi, anh hỏi: “Vì sao chú lại xin đầu quân về báo? Chú hiểu gì về ngành TN&MT? Chú biết gì nhất trong các công việc của ngành?...” - Tôi nói: “Thưa anh, quê em có khá nhiều người làm công tác khí tượng thủy văn ở Bộ mình”. Vậy là Tổng Biên tập giao: “Chú tự liên hệ, cơ quan cấp Giấy giới thiệu để chú đi. Dù chú làm báo hơn chục năm, có thẻ Nhà báo rồi, nhưng cứ về cơ quan mới… vui vẻ thử việc nhé”.

Vậy là tôi ba lô máy móc lên đường. Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Tây Bắc nằm trên tỉnh vùng cao Sơn La. Ngay khi “bập” vào tìm hiểu để viết về ngành khí tượng thủy văn, viết về “người khí tượng thủy văn”, tôi đã được Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu khi đó và sau này là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn Nguyễn Văn Tuệ dặn, “lần này bạn lên vùng cao nhưng không đi vùng sâu vùng xa quá nhé và tạm thời không “kể khổ” nữa. Chúng tớ muốn giới thiệu với các bạn về Nậm La - Nậm Pàn, đứa con đầu lòng của hệ thống đo mưa và KTTV tự động của cả nước…”.

C c Quan tr c vi n t c nghi p trong a h nh kh kh n
Các quan trắc viên tác nghiệp trong địa hình khó khăn

Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về hệ thống cảnh báo mưa bão, lũ quét tự động Nậm La - Nậm Pàn, ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Bắc khi đó đã giao cho anh Nguyễn Văn Bính - Phó trưởng Phòng Thông tin dữ liệu, người được lãnh đạo Đài KTTV khu vực Tây Bắc giao nhiệm vụ tiếp cận, học tập và vận hành hệ thống tự động Nậm La - Nậm Pàn cùng anh chị em trong phòng dẫn tôi đi dọc vài chục km suối trên địa bàn Sơn La. Và bài viết “Hệ thống đo mưa đo thủy văn tự động: Một cái nhấp chuột, biết mưa cả vùng” ra đời đúng số báo đặc biệt kỷ niệm 69 năm Quốc khánh 2/9 như một lời cám ơn đến người KTTV. Bài báo ấy nay vẫn còn lưu giữ không chỉ trên báo in mà còn trên báo điện tử của Báo, đặc biệt là trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục KTTV đến hôm nay.

2 - Chính thức về ngôi nhà chung của Báo Tài nguyên và Môi trường, thời gian đầu, tôi không được trực tiếp theo dõi ngành KTTV, nhưng hình như có duyên với ngành, mỗi khi tháp tùng lãnh đạo Bộ đến một nơi nào đó, khi hoàn thành công việc chính của mình, tôi lại “lẻn” đến một Trạm KTTV hoặc hải văn gần nhất. Những lần “lẻn” đi đó khiến tôi được đặt chân lên, chứng kiến công việc lặng thầm của người khí tượng thủy văn ở những Trạm KTTV xa xôi từ Yên Châu (Sơn La), Mường Lay (Lai Châu), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Lang Chánh, Hồi Xuân, Mường Lát (Thanh Hóa), đến đảo xa như Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Lý Sơn (Quảng Ngãi) hay Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu)…

Mỗi nơi chúng tôi đến đều là những trải nghiệm thú vị. Dù công việc của các anh chị - những con người làm công việc “lặng lẽ Sa Pa” -  các “ốp” đo thủy văn, đo khí tượng của họ chúng tôi gần như đã thuộc như “nằm lòng” nhưng trải nghiệm ở mỗi nơi mỗi khác. Mỗi bước chân đi, mỗi nơi chúng tôi đến, mỗi con người, mỗi tính cách, mỗi nhân vật khi chúng tôi trò chuyện, trải nghiệm đều cho chúng tôi một niềm vui, cho chúng tôi thêm một tình yêu đối với cái nghề “không tiền tiêu vặt” này. Và mỗi nơi chúng tôi đến, khi về ít nhiều trên các ấn phẩm của Báo cũng có những phóng sự truyền hình, những bài báo: “Tuổi 20 trên đảo Bạch Long Vỹ”; “Bắt mạch trời giữa chơi vơi Tây Bắc”; “Gác nước bên dòng Mã Giang”… được bạn đọc và nhất là “người khí tượng thủy văn” chia sẻ.

PV ch p h nh v i c c Quan tr c vi n tr n o B ch Long V
Phóng viên chụp hình với các quan trắc viên trên đảo Bạch Long Vĩ

Hơn một năm nay, được Ban Biên tập chính thức phân công theo dõi, đưa tin về ngành KTTV, tôi càng có dịp được đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn với “người khí tượng thủy văn”. Càng đi nhiều, càng chứng kiến công việc, hòa chung niềm vui, chia sẻ tâm tư của các anh chị, chúng tôi càng cảm phục tình yêu nghề của họ. Đặc biệt, cảm động mỗi khi nghe câu chuyện công việc và thu nhập của các quan trắc viên trẻ đang ngày đêm “đi ốp” ở các Trạm KTTV đóng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của đất nước để có những bản tin thời tiết chính xác nhất cảnh báo mưa, bão, lũ…

 Câu chuyện của chàng trai Trần Chí Cường mới ngoài 30 tuổi đã có gần chục năm làm Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn trên đảo Bạch Long Vỹ rằng: Năm nào đảo cũng đón ít nhất chục lần bão to. Khi quan trắc trong bão, anh em chỉ mặc độc chiếc quần đùi, khoác áo mưa… rồi cúi người “bò” ra biển, ra nhà triều ký. Vì nếu cứ mặc quần áo nghiêm chỉnh ra đó là sóng, gió thổi tung, kiểu gì cũng ướt.

Nói như Phó Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Lê Thanh Hải - một trong những người có thâm niên trong ngành: “Chuyện khó khăn như vậy ở trạm nào cũng có, ngay cả trạm ở Hà Nội. Mỗi khi mưa to gió lớn, khi mọi người tìm chỗ trú ẩn, anh chị em chúng tôi lại phải lao ra ngoài trời để “đo mưa, đếm gió”. Nếu không yêu nghề, có lẽ rất nhiều bạn trẻ không thể sống được với đồng lương khiêm tốn của ngành KTTV”.

3 - Không chỉ người KTTV yêu công việc của họ, không chỉ phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường chúng tôi - “Báo nhà” - yêu nghề khí tượng thủy văn mà đáp lại tình yêu đó, người trong ngành khí tượng cũng dành cho phóng viên chúng tôi một tình yêu trọn vẹn.

Tôi đã nghe Văn Duẩn (báo Người Lao Động), Võ Hải (Vnexpress), Thành Chung (Soha), Bùi Lan Anh (VTC)… và rất nhiều phóng viên đang theo dõi ngành KTTV nói rằng, dù bất cứ khi nào, cánh báo chí gọi đến ngành KTTV từ Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái, Phó Tổng Cục trưởng Lê Thanh Hải, Hoàng Đức Cường, hay các “chuyên gia” khí tượng Hoàng Phúc Lâm, Nguyễn Văn Hưởng… và đặc biệt là hai nữ cán bộ truyền thông Hoàng Hoài Linh, Lê Hạnh, chúng tôi đều nhận được câu trả lời một cách nhiệt tình, chu đáo.

Trong khi chắp bút bài báo này, tôi nhận được chia sẻ của nhà báo Bùi Lan Anh (Đài truyền hình kỹ thuật số VTC) - người luôn có mặt ở những nơi diễn ra thời tiết nguy hiểm: “Tôi cảm thấy người khí tượng rất cần mẫn, chăm chỉ, hiền hòa. Trong hoàn cảnh nào, phóng viên chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực, thường xuyên để hoàn thành nhiệm vụ. Trước, trong và sau mỗi cơn bão, trận lũ… êkip chúng tôi liên tục nhận thông tin từ các Đài KTTV khu vực và của các tỉnh. Các cán bộ KTTV liên tục cập nhật bằng email, điện thoại, tin nhắn đường đi của bão, mức gió, mưa... cho phóng viên để chúng tôi triển khai truyền hình trực tiếp, đưa thông tin và hình ảnh sự tàn phá của cơn bão đến với người dân... Có được điều này là nhờ sự kết nối liên tục từ Tổng cục KTTV trực tiếp với phóng viên các vùng miền trong cả nước”.
Người khí tượng yêu nghề, còn chúng tôi, những nhà báo viết về KTTV, chúng tôi yêu công việc của họ.