Tác nghiệp ở vùng cao
Xã hội - Ngày đăng : 18:24, 20/06/2019
Xuyên rừng gặp mưa đêm
Nhận được thông tin về vụ phá hàng trăm héc ta rừng phòng hộ xảy ra tại xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ) khiến cả đêm tôi không thể ngủ được. Sáng sớm, mới 4 giờ, tôi đã gọi điện giục anh bạn đồng nghiệp công tác tại báo Lao động Nghệ An chuẩn bị đồ đạc để đi cho kịp.
Đến xã Kỳ Tân, chúng tôi tìm gặp nhiều người dân am hiểu về vụ việc và nhờ họ dẫn đường nhưng không ai dám đứng ra giúp vì họ sợ “vạ lây”. Sau đó, mãi mới tìm được một người dân ở thị trấn Tân Kỳ nhiệt tình dẫn đường giúp nhưng người này ra điều kiện phải thật sự bí mật và cải trang vào rừng tìm ong, hái thuốc… mới an toàn.
Sau khi lên sẵn lịch, cải trang đầy đủ, khoảng 13 giờ 30 phút hôm đó, chúng tôi bắt đầu hành trình “xuyên rừng”. Trời nắng oi bức, phải leo trèo với độ dốc cao, nhiều vách đá hiểm trở, cây bụi và dây leo chằng chịt khiến cuộc “thâm nhập” phải kéo dài mất vài giờ đồng hồ với nhiều chặng nghỉ chân mới có thể tiếp cận được khu vực rừng bị chặt hạ.
Người dẫn đường là ông D, nguyên cán bộ Huyện ủy Tân Kỳ. “Xót lắm các chú ơi. Cả trăm héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn xã Kỳ Tân, nơi giữ nước cho các hồ đập khu vực nay đã bị xóa sạch rồi” – Tôi vẫn nhớ ánh mắt đầy lo lắng, buồn rầu rĩ của người đàn ông dũng cảm dẫn đường dù tuổi đã ngoài lục tuần.
Tiếp cận hiện trường vụ phá rừng, chúng tôi không khỏi xót xa khi các đối tượng (sau này cơ quan chức điều tra ra là người ở huyện Yên Thành) đã san phẳng rất nhiều cánh rừng bạt ngàn. Các cây gỗ lớn nhỏ bị “xẻ thịt” không thương tiếc, nhiều khoảnh dấu vết còn rất mới, lá cây còn chưa kịp héo…
Đi sâu vào phía giáp ranh với xã Tây Thành (huyện Yên Thành), chúng tôi thấy có khói nghi ngút bốc lên ở một góc khuất. Tiến lại gần hơn mới thấy, nhiều đối tượng đang tận dụng những cây gỗ mới bị đốn hạ để đốt lấy than. Thấy người lạ, nhóm đối tượng có vẻ giật mình nhưng sau đó tiến đến hỏi chúng tôi với ánh mắt dò xét. Nhận thấy không an toàn nên người dẫn đường tên D nhanh chóng nói chúng tôi đi lên núi tìm thuốc, nhóm người này mới thay đổi thái độ và cho chúng tôi đi qua khu vực họ đang đốt than.
Hăng say ghi lại hình ảnh vụ phá rừng quy mô hàng trăm héc ta khiến chúng tôi quên thời gian. Trời tối lúc nào không hay; ông D nói “xuống núi thôi các chú, tối rồi, trời lại sắp mưa; không kịp là ngủ lại rừng luôn bây giờ”. Tôi và anh bạn đồng nghiệp vội vàng theo chân người dẫn đường mà bước chân đã luống cuống, một phần vì thấm mệt, một phần vì bị “dọa” ngủ lại rừng!
Chúng tôi chỉ kịp đi xuống núi một đoạn thì trời tối hẳn, cơn mưa cũng vừa ập tới. Trong đầu tôi nảy ra ý định tìm chỗ trú mưa nhưng ông D nói như ra lệnh: “Giữ lấy máy móc và ví tiền, giấy tờ cho kỹ kẻo rơi, rồi cứ theo chân tôi mà đi, không là nguy đó; mưa thế này sấm sét nguy hiểm, khéo cây đổ trúng thì “toi” chứ chả chơi”. Về đến nhà ông D khi đã hơn 20 giờ tối, đang nóng nực gặp mưa rào nên khắp người tôi ngứa ngáy, sau đó bị cảm mất mấy ngày.
Chuyến đi dù mệt, nguy hiểm nhưng tôi cảm thấy rất vui, phấn khích và tự hào vì sau loạt bài viết 2 kỳ về hiện tượng phá rừng ở Kỳ Tân, cơ quan chức năng đã vào cuộc và làm rõ, xử lý vụ phá rừng phòng hộ quy mô lớn với gần 130ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị “cạo trọc”…
Nhớ “kỳ tích” Na Ngoi
Trưa ngày 30/12/2009, tình cờ tôi biết thông tin tại xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) có một mô hình nuôi cá Hồi do Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi mới đưa về thử nghiệm. Lúc bấy giờ, nuôi cá Hồi ở Nghệ An là một mô hình mới, khá lạ lẫm. Để thỏa trí tò mò, ngay chiều hôm đó, tôi lên kế hoạch đi lên xã Na Ngoi - nơi cách trung tâm huyện Kỳ Sơn hơn 70km và cách TP Vinh hơn 300 cây số. Trên chuyến xe khách đêm, bắt chuyện với phụ xe tôi được biết đường đi Na Ngoi mùa đông rất khó, hầu như ngày nào cũng có mưa nên đường lầy lội, chỉ có thể đi bộ, đi xe máy côn hoặc xe u oát. Trong tâm trạng khá lo lắng, tôi xuống xe lúc 4 giờ sáng tại ngã ba Khe Kiền (huyện Tương Dương) để đi vào xã Na Ngoi. Bất ngờ, một chiếc xe u oát từ trong một con đường đất lao ra, hỏi chuyện mới biết chiếc xe ra đường QL7 để đón lấy thức ăn cho cá Hồi từ TP. Vinh gửi lên. Mừng như “đuối nước vớ được cọc”, tôi trình bày “hoàn cảnh”, không chút ngần ngại hai người trên chiếc xe đã đồng ý cho tôi quá giang.
Đường vào Na Ngoi hồi đó rất khó khăn, nhiều chỗ lầy lội, nhiều chỗ gập ghềnh đá mất nhiều phút xe mới qua được. Trên chuyến xe, hai anh đội viên của Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi kể cho tôi nghe biết bao nhiêu chuyện về người dân bản địa ở xã này. Được biết, bà con sinh sống ở xã Na Ngoi chủ yếu là người dân tộc Mông, một ít bản là người dân tộc Khơ Mú. Trình độ văn hóa, nhận thức về thế giới bên ngoài của họ thời đó còn rất hạn chế nên khi Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi lên khai phá vùng đất này gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bị cản trở, phản đối.
Ngồi trên xe khi đó, tôi còn nhớ anh Vương Trung Úy là đội viên quê xã Hồng Thành, huyện Yên Thành, người đã kinh qua nhiều Tổng đội TNXP và bắt đầu vào “bén duyên” với Na Ngoi từ năm 2009. Anh Úy kể: “Anh em mới “khởi nghiệp” hồi đầu năm, còn cơ cực lắm. Khi trời mưa phải dùng xích cam xe máy, xâu dây thép, quấn quanh lốp xe máy mới đi nổi. Những ngày đầu lên khai phá vùng đất đó là những ngày vô cùng cơ cực”.
Quả thật, dù đã đi xe “chuyên dụng” nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ chúng tôi mới vào đến nơi. Không để chúng tôi nghỉ ngơi quá 5 phút, vừa pha ấm chè shan tuyết, anh Nguyễn Trọng Cảnh - Trưởng làng Làng thanh niên lập nghiệp Na Ngoi, kể: Xã Na Ngoi có 19 bản, hơn 4.000 dân, trong đó hơn 80% là người Mông. Dân cư thưa thớt, nằm rải rác trên một diện tích lớn, có bản phải trèo đèo lội suối cả ngày đường mới tới nơi. Chúng tôi đến tận từng gia đình, thuyết phục từng người dân dành đất, hỗ trợ xây dựng làng thanh niên; sự kiên trì đã được người Mông ở xã Na Ngoi nhường cho 20ha đất tại thung lũng Ka Trên để anh em mở mang cơ nghiệp”.
Thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh tâm sự tiếp: “Muốn bà con dân bản đi theo, ủng hộ mình thì mình phải để bà con thấy cái việc mình làm là hiệu quả, không nói suông được!”. Và chỉ trong một thời gian ngắn, thung lũng Ka Trên đã tràn ngập rau màu các loại. Bí, ngô, su hào, bắp cải, luống nào luống nấy thẳng tắp, xanh mơn mởn. Vụ mùa đầu tiên thắng lợi, thủ lĩnh Nguyễn Trọng Cảnh lệnh cho anh em đội viên mang giống rau màu vào bản, đến tận từng hộ gia đình hướng dẫn bà con cách trồng, chăm bón, thu hoạch.
“Anh em đang rất kỳ vọng vào hai sản phẩm mà Làng đang thử nghiệm là cá hồi và hoa ly. Thực sự anh em đang rất kỳ vọng hai loài sản phẩm này sẽ trở thành “đặc sản” của Làng Thanh niên lập nghiệp Na Ngoi chúng tôi” - anh Cảnh nói tiếp.
Để cho tôi “mục sở thị” những cây, con “kỳ vọng” của mình, anh Cảnh dẫn tôi xuống suối ở Ka Dưới thăm 6 chiếc ao nuôi cá hồi. Theo anh Cảnh, nhiệt độ và khí hậu ở Na Ngoi rất thuận lợi, quanh năm mát lạnh nên rất phù hợp với loại cá này. “Mô hình nuôi cá hồi ở Na Ngoi hy vọng sẽ mở ra cơ hội mới để phát triển kinh tế ở những xã vùng cao, khí hậu lạnh quanh năm như Na Ngoi, Mường Lống, Huồi Tụ…, là những vùng cao đặc biệt khó khăn của vùng đất biên giới Kỳ Sơn này. Ngoài ra, mấy nghìn cây hoa ly trồng thử nghiệm năm nay theo tính toán sẽ nở đúng dịp Tết, sẽ là thành công tuyệt vời!”.
Tuy vậy, thắng lợi mang tính “chính trị” nhất có lẽ là việc chuyển đổi 400ha ruộng bậc thang mà trước đây người dân chỉ trồng đúng 1 vụ Hè Thu giống cũ năng suất thấp, không đủ ăn. Sau một vụ thử nghiệm, trong một thời gian ngắn, 400 ha ruộng bậc thang toàn xã đã chuyển sang cấy hai vụ, nâng năng suất mỗi ha lên 6 tấn/vụ, nhà nào nhà nấy thóc đầy bồ - Na Ngoi hết đói!
Câu chuyện kể cũng như tận mắt chứng kiến những đổi thay ở mảnh đất “khỉ ho cò gáy” dưới chân đỉnh Phuxailaileng đã như một “kỳ tích”. Và vị Trưởng làng Cảnh kể mãi như không có hồi kết...