“Hợp tác công - tư”: Mô hình mới trong bảo tồn di sản ở Ninh Bình
Xã hội - Ngày đăng : 17:09, 17/06/2019
Tại Hội nghị 5 năm công tác quản lý, bảo tồn Di sản thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam đã có bài tham luận, trong đó đáng chú ý là khái niệm “Hợp tác công – tư”, mô hình xã hội hóa trong các hoạt động bảo tồn di sản.
Mô hình “Hợp tác công – tư” chúng ta có khả năng thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các cộng đồng dân cư (ở trong và xung quanh các khu di sản) tham gia sáng tạo, cung cấp và phổ biến các sản phẩm văn hóa, du lịch có hàm lượng trí tuệ thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng.
Ở Ninh Bình, “Hợp tác công – tư” trong bảo tồn di sản cần được thực hiện thông qua hình thức du lịch có trách nhiệm dựa trên nền tảng các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể Danh thắng Tràng An với các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; biến đổi môi trường thành thị trường; biến giá trị thành giá cả.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài có 3 đối tác quan trọng nhất trong mô hình “Hợp tác công – tư” về bảo tồn di sản văn hóa đó là: Đối tác công là hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về di sản văn hóa đồng bộ và có trách nhiệm từ Trung ương đến địa phương; Đối tác là các doanh nghiệp mạnh (nhà nước và tư nhân) có chiến lược phát triển bền vững, lâu dài và một cộng đồng cư dân địa phương tự giá, nhiệt tâm ủng hộ; Đối tác trung gian là các nhà khoa học có tâm và có tầm làm chức năng tư vấn, kết nối hai đối tác công và tư.
PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá cao nhân dân và chính quyền tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành xuất sắc trách nhiệm quốc gia của Việt Nam trong việc thực thi Công ước 1972 của UNESCO về việc bảo tồn Quần thể Danh thắng Tràng An. Đây cũng là địa phương đã mạnh dạn đổi mới tư duy bước đầu thí điểm thực hiện thành công mô hình “Hợp tác công – tư” trong bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tại các khu du lịch như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, Khu văn hóa tâm linh chùa Bái Đính…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình “Hợp tác công – tư” đang áp dụng trong Quần thể Danh thắng Tràng An, PGS.TS Đặng Văn Bài có một vài gợi ý đối với cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình: Tăng cường công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở cả 3 khu vực nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Ban quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An để thực hiện tốt chức năng chỉ đạo hướng dẫn và kiểm soát định hướng hoạt động của mô hình “Hợp tác công – tư” trong khu di sản. Tổ chức hội thảo khoa học đánh giá toàn diện các mặt tích cực và hạn chế của mô hình này để từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý và phát huy hiêu quả trong thực tế.
Ông Bùi Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho rằng: Quan trọng nhất trong mô hình “Hợp tác công – tư” là quy chế phối hợp giữa các bên, trách nhiệm của các bên. Các đơn vị khai thác thì phải luôn tuân thủ chặt chẽ các quy định, chính sách pháp luật. Còn Nhà nước thì phải thường xuyên xây dựng, hoàn thiện quy chế, quy định cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, định hướng cho các doanh nghiệp khai thác sản phẩm một cách bền vững nhất.
Các chuyên gia UNESCO đánh giá cao về mô hình “Hợp tác công – tư” tại Quần thể Danh thắng Tràng An, mô hình này mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt người dân là đối tượng thụ hưởng được nhiều lợi ích nhất. Bên cạnh đó, mô hình này còn giúp cho việc khai thác sản phẩm du lịch được bền vững hơn, tạo ra nhiều sinh kế hơn. Đồng thời còn góp phần khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân, ông Bùi Văn Mạnh cho biết thêm.