Thu mua lợn sạch, cấp đông thịt để đối phó dịch tả lợn châu Phi
Xã hội - Ngày đăng : 13:22, 12/06/2019
Dịch tả lợn châu Phi đang có diễn biến ngày càng phức tạp và đã lan rộng gần 60 tỉnh, thành phố. Trong đó tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là gần 2,5 triệu con, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế, đặc biệt đe dọa nghiêm trọng đến việc đảm bảo nguồn cung trong tương lai.
Trước những diễn biến khó lường của dịch tả lợn châu Phi, việc thu mua, giết mổ, cấp trữ đông cũng như giữ ổn định giá thịt lợn, không để sốt giá được xem là biện pháp cấp bách trong tình hình hiện nay. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, giải pháp hiệu quả nhất hiện nay là thu mua lợn sạch, cấp đông để những tháng sau, khi nguồn cung giảm đi, sẽ cung cấp lại thị trường: “Dự báo về thị trường thịt lợn năm nay là rất khó khăn, có thể nguồn cung sẽ bị hạn chế, nếu ta không tính toán đến cấp đông sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn dài lâu, gây xáo trộn thị trường…”.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT, việc giết mổ và cấp đông để đưa thịt sạch, an toàn đến người dùng dù có một số ý kiến hoài nghi, nhưng đây là giải pháp cần thiết trong thời điểm hiện nay.
“Khi mới triển khai chính sách cũng không tránh khỏi những ý kiến khác nhau, nhưng để đi đến quyết định này, các bộ, ngành liên quan đã phải bàn thảo nhiều. Mục đích cuối cùng là làm sao có lợi cho người chăn nuôi nhất mà phải và mục đích xa hơn là ổn định thị trường cung, cầu”, ông Dương khẳng định.
Hiện nay, cả nước có gần 400 cơ sở giết mổ tập trung và hơn 27.000 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, chủ yếu tại đồng bằng sông Hồng. Ông Lê Văn Lộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cho biết, các đơn vị chăn nuôi, giết mổ, phân phối đều ủng hộ phương án cấp đông, bởi việc thu mua, giết mổ và cấp đông trước mắt sẽ giảm đáng kể thiệt hại đối với người chăn nuôi, còn về lâu dài sẽ đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
“Tỉnh đã dự phòng phương án thuê kho cấp đông và kiến nghị Bộ Công Thương xem xét chủ trì, kết nối với các địa phương lân cận cùng triển khai để giết mổ, cấp đông thịt heo. Đại diện một số địa phương cũng kiến nghị có giải pháp tái đàn bởi dù cấp đông nhưng không tái đàn thì thời gian sau cũng sẽ thiếu nguồn cung”, ông Lộc nói.
Để đẩy nhanh tiến độ cấp đông thịt lợn, Bộ Công Thương đang đề xuất Chính phủ cơ chế hỗ trợ tài chính cho việc cấp đông, dự trữ thịt lợn như; chi phí lưu kho, một phần lãi suất vay ngân hàng, phí kiểm dịch cho sản phẩm thịt đưa vào cấp đông.... Đồng thời, đề xuất các ngân hàng thương mại ưu tiên những gói vốn có lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia triển khai việc cấp đông dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay, khả năng tiếp cận vốn vay. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ tạo điều kiện trong việc chứng nhận các sản phẩm an toàn đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ việc tổ chức cấp đông.