Phải xử lý tận gốc đối tượng buôn bán động vật hoang dã trái phép

Xã hội - Ngày đăng : 11:38, 11/06/2019

(TN&MT) - Việc tồn tại tình trạng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD) xuyên quốc gia hiện nay vẫn đang là vấn đề gây nhức nhối và chưa được xử lý dứt điểm. Để giải quyết vấn đề này, theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên ENV, cần phải xử nặng, tận gốc những đối tượng vi phạm pháp luật về buôn bán ĐVHD.
T6a
Quy chế xử phạt vẫn chưa thật sự phù hợp để răn đe những đối tượng vi phạm. Ảnh: MH

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đã đưa công tác thực thi pháp luật trở thành ưu tiên cấp bách hàng đầu để đối phó với tình trạng buôn bán ĐVHD. Song, sự thiếu phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật đã gây ảnh hưởng tới hiệu quả của hoạt động truy tố và xét xử tội phạm. “Các quy trình xử lý tội phạm về ĐVHD, bao gồm định giá các sản phẩm ĐVHD và các quy định trong xử lý bằng chứng phạm tội không nhất quán giữa các tỉnh,” bà Phạm Thu Trang, Phó Trưởng khoa Luật pháp quốc tế tại Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng, những trường hợp vi phạm vẫn chưa tìm được kẻ cầm đầu và quy chế xử phạt vẫn chưa thật sự phù hợp để răn đe những đối tượng vi phạm. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thu Hương -  Quản lý Truyền thông, Tổ chức Wildlife Conservation Society (WCS) Chương trình Việt Nam chia sẻ: “Tội phạm về ĐVHD hiện nay được coi là loại hình có tổ chức và phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ song hành với các loại tội phạm khác và rất khó để tìm ra kẻ chủ mưu thực sự. Đứng trước lợi nhuận khổng lồ và rủi ro thấp, tội phạm về ĐVHD đang không ngừng phát triển về cả số lượng và phương thức, thủ đoạn. Chúng có thể ngụy trang ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD với số lượng rất lớn trong các container chở gỗ, chè hoặc giấu trong vali trên máy bay, vận chuyển bằng xe khách”.

Bà Nguyễn Phương Dung - Phó Giám đốc ENV nhận định: “Thách thức hiện nay được đặt ra liên quan đến việc thực thi pháp luật. Bởi Việt Nam coi, việc tịch thu tang vật đã là thành công trong việc xử lý và ngăn chặn nạn buôn bán ĐVHD. Tuy vậy, ENV cho rằng, đây chỉ là thành công ban đầu. Bởi sau những lần bắt giữ các cơ quan chức năng cần điều tra chuyên sâu những đối tượng cầm đầu của đường dây buôn bán này.”

Đáng nói, theo số liệu thống kê của ENV, những năm gần đây, mặc dù, những đối tượng bị bắt khá nhiều và bị xử phạt nhiều năm tù, nhưng chủ yếu là những đối tượng có vai trò trung gian chức không phải đối tượng cầm đầu. Đối với những đối tượng cầm đầu lại chưa nhận được sự trừng phạt thích đáng trước tội ác mà những đối tượng này gây nên.

Điển hình, vụ án trùm buôn lậu sừng tê giác Nguyễn Mậu Chiến gây xôn xao dư luận vào năm 2018. Ngày 20/3/2018, tại phiên xét xử ở Tòa án Nhân dân quận Hà Đông, Nguyễn Mậu Chiến đã bị kết án 13 tháng tù vì tội buôn lậu 36kg sừng tê giác. ENV cho rằng, hình phạt mà bản án đưa ra không hợp lý, chưa tương xứng với hành vi phạm tội của Nguyễn Mậu Chiến.

Trước tình trạng này, đại diện ENV hy vọng các cơ quan tư pháp sẽ không để những tác động bên ngoài ảnh hưởng đến quá trình tố tụng và xét xử. Những kẻ cầm đầu các đường dây tội phạm lớn như Nguyễn Mậu Chiến cần bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Chỉ áp dụng các hình phạt thích đáng mới có tác dụng răn đe những đối tượng này, đồng thời, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong công tác triệt phá các đường dây buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.

Phó Giám đốc ENV nhấn mạnh: “Đã tới lúc những kẻ đầu sỏ hủy diệt đa dạng sinh học phải chịu trách nhiệm trước pháp luật vì thu lợi bất chính từ hoạt động buôn bán các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm! Những đối tượng này cũng cần phải trả giá vì những hành động ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế”.