Sơn La: Hơn 3.000ha ngô bị sâu keo mùa thu gây hại
Xã hội - Ngày đăng : 20:35, 29/05/2019
Sâu keo là loại sâu mới xâm nhập, có khả năng di trú xa, gây hại nặng trên cây ngô và nhiều loài cây trồng khác. Đặc biệt, loài sâu này có tốc độ lây lan nhanh, sinh trưởng mạnh, 1 con sâu trưởng thành có thể đẻ 1.000 – 2.000 trứng, khả năng di chuyển tốt, một ngày chúng có thể di chuyển hàng chục, thậm chí hàng trăm kilomet.
Tình trạng xuất hiện sâu keo mùa thu đã khiến hàng nghìn hecta ngô bị tàn phá nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất vụ ngô hè thu của bà con nông dân. Sâu phá tập trung chủ yếu ở phần lá và phần nõn cây ngô non. Những nơi có sâu keo phá hoại thường bị gặm nham nhở, tan nát, nếu không được phun kịp thời có thể làm cây bị chết.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La, sâu keo mùa thu bắt đầu xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, được phát hiện đầu tiên tại 2 huyện Mộc Châu, Vân Hồ, sau đó lan rộng ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh.
Tốc độ lây lan của loại sâu keo mùa thu này rất nhanh. Đến ngày 10/5/2019, tỉnh Sơn La mới có 448 ha bị nhiễm sâu keo, trong đó 45 ha nhiễm nặng; thì đến 25/5/2019 diện tích bị nhiễm là 3.113 ha. Hiện chưa có thuốc BVTV có trong danh mục thuốc đặc trị, mới chỉ có một số loại thuốc được khuyến cáo.
Hiện nay, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang tích cực tuyền truyền vận động nhân dân áp dụng các biện pháp phòng trừ. Tính đến nay, đã tổ chức phun phòng trừ được 1.365 ha. Tuy nhiên, nhiều diện tích diệt sâu keo mùa thu không chết do phát hiện và phun trừ khi sâu đã tuổi lớn, thời điểm sức kháng thuốc cao, chui vào nõn ngô phá hoại từ trong ra.
Các cơ quan chuyên môn cũng khuyến cáo, sâu keo mùa thu có 6 giai đoạn phát triển. Việc phun thuốc BVTV chỉ diệt được sâu ở giai đoạn 1-3 tuổi, với sâu ở giai đoạn từ 3-6 tuổi thì thuốc không có tác dụng. Do đó, người dân nên thường xuyên theo dõi diện tích canh tác ngô, phát hiện sớm, phun thuốc kịp thời.