Hai thùng rác bị lãng quên!
Xã hội - Ngày đăng : 10:13, 30/05/2019
Với các quốc gia tiên tiến, phân loại rác thải được xem là tiêu chí của một xã hội văn minh. Nhưng tại sao ở nước ta, việc phân loại rác thải không hiệu quả, thậm chí là nói rất hay mà khó thực hiện?
Khu phố tôi ở là ví dụ. Khu phố nhiều năm liền đạt danh hiệu đơn vị văn hóa, vì thế, phường ưu tiên bố trí các thùng rác theo tiêu chuẩn các tuyến đường dân sinh. Lúc đầu, các hộ đều phấn khởi ủng hộ, vì họ nghĩ, bảo vệ môi trường chuyên nghiệp và sạch sẽ hơn. Thế những niềm vui “chẳng được tày gang”, những thùng rác ấy dồn lại một chỗ, rồi sau đó, bị đẩy ra ngoài đường lớn.
Nguyên nhân đơn giản vì chẳng ai chịu để thùng rác trước cửa nhà họ. Các thùng rác bị “tẩy chay”, bỏ không lãng phí, dần dần biến mất hẳn trong tâm thức của người dân. Và tình trạng cũ lại tiếp diễn, cổng nhà nào, rác nhà nấy nhếch nhác, mất mỹ quan.
Số phận của những thùng rác bị bỏ rơi đó khiến chúng ta nhớ lại thời “hoàng kim rồi vụt tắt” của những dự án phân loại rác tại nguồn 3R (Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế) cách nay hơn 1 thập kỷ.
Đã từng có khoảng thời gian 3R được tuyên truyền mạnh mẽ qua các phương tiện truyền thông đại chúng, với clip cổ động phong trào phân loại rác cùng ca khúc “Những ngôi sao 3R” vô cùng quen thuộc đối với mọi người. Thực tế, hoạt động này được TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng áp dụng thử nghiệm và đã có những kết quả nhất định. Trong đó, phải kể đến Dự án 3R-HN do Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ triển khai trên địa bàn Hà Nội tại 4 phường Láng Hạ, Nguyễn Du, Thành Công và Phan Chu Trinh giai đoạn 2006 - 2010.
Hồi đó, không khó để bắt gặp trên đường phố hình ảnh của những thùng rác màu xanh (rác vô cơ) và thùng rác màu vàng (rác hữu cơ). Những hộ gia đình thuộc phạm vi thí điểm dự án sẽ được phát thêm một túi vải màu xanh dương để đựng rác thải tái chế như giấy báo, chai, lọ,… Và thực tế, Dự án 3R triển khai ở Hà Nội đã đem đến những “trái ngọt” khả quan, hiện tượng vứt rác bừa bãi giảm tối đa, độ chính xác trong phân loại rác là 80 - 90%, giảm 30 - 40% lượng rác phải chôn lấp, giúp tiết kiệm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường, thậm chí, còn có thể sản xuất phân vi sinh hữu cơ từ nguồn rác đã phân loại, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đáng buồn là khi dự án thí điểm kết thúc, đồng nghĩa với việc không còn nguồn kinh phí tài trợ từ JICA, các cụm từ phân loại rác, vô cơ, hữu cơ dường như ít được nói đến. Các điểm tập kết rác cũng thấy thiếu vắng thùng rác có màu sắc hoặc nếu có thùng màu xanh, vàng thì cũng đựng lẫn lộn các loại.
Chúng ta đang bỏ quên “núi vàng” từ rác. Bởi lẽ, các nhà quản lý môi trường đã chỉ rõ, chất thải rắn đô thị có 14 - 16 thành phần, trong đó, phần lớn có khả năng tái sinh, tái chế như ni lông, thủy tinh, nhựa, giấy, kim loại, cao su... Khối lượng chất thải rắn có thể phân hủy (rác thực phẩm) chiếm khoảng 75%, còn lượng chất thải rắn có khả năng tái sinh tái chế chiếm khoảng 25%. Nếu biết tận thu rác thực phẩm, xã hội sẽ thu được hàng trăm tỷ đồng từ việc giảm chi phí chôn lấp rác và bán phân Compost.
Ngoài lợi ích kinh tế có thể tính toán được, việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn mang lại nhiều lợi ích đối với môi trường. Khi giảm được khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp, khối lượng nước rỉ rác sẽ giảm. Nhờ đó, các tác động tiêu cực đến môi trường cũng sẽ giảm đáng kể như: giảm rủi ro trong quá trình xử lý nước rỉ rác, giảm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt...
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng có thể thấy, lợi ích của việc áp dụng mô hình 3R hiệu quả thế nào. Và cho đến nay, một số địa phương trên cả nước đang thực hiện những dự án 3R, song nhìn chung mới chỉ thực hiện nhỏ lẻ, không đồng bộ và thiếu định hướng. Còn lại các hộ gia đình trong cả nước chưa được trang bị thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn. Các điểm trung chuyển cũng như vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị chưa đủ để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. Bên cạnh đó, cộng đồng rộng lớn chưa nhận thấy những lợi ích của việc thực hiện 3R. Số lượng doanh nghiệp tham gia áp dụng sản xuất sinh học không nhiều.
Để góp phần bảo vệ môi trường có những việc không cần đến tiền hoặc cần rất ít. Ví như, thay bằng chỉ có một thùng rác, mỗi gia đình sắm thêm một, hai chiếc, hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nhà, việc xử lý sau đó sẽ dễ dàng, thuận tiện, tiết kiệm hơn rất nhiều.
Rất tiếc, trong khi những nhà quản lý môi trường đang đau đầu để tìm cách chế tạo ra những thiết bị có thể làm được việc này thì việc đơn giản, hiệu quả trên nhiều gia đình Việt Nam vẫn chưa làm được. Thay vào đó, mỗi khi đọc báo đài, thấy kể chuyện ở nước ngoài người ta thực hiện phân loại rác thải ngay tại nhà hay rác được họ tái tạo để làm việc này, việc khác... nhiều người lại “ồ” lên, ngưỡng mộ.
“Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, song, “Gieo hành vi, gặt thói quen” cũng là một bài học “nằm lòng”. Ý thức quả đúng là thứ khó suy chuyển, nhưng những hành động nhỏ lặp lại liên tục vẫn có thể hình thành thói quen tốt và tạo nên sự thay đổi. Không hẳn người dân chúng ta thiếu ý thức, có thể ý thức đó chưa được khơi gợi đúng cách. Và rất có thể sự đơn giản chính là chiếc chìa khóa cho bài toán phân loại rác ở Việt Nam.