Hà Nội: Di dời Sở Tài nguyên và Môi trường trong tháng 8/2019
Xã hội - Ngày đăng : 08:38, 29/05/2019
Kết quả thực hiện dự án xây dựng trụ sở mới tại Khu liên cơ Võ Chí Công, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội đến nay đối với khối 16 tầng và 27 tầng hiện đang được tập trung triển khai thi công hoàn thiện, dự kiến cơ bản hoàn thành trong tháng 7 đưa Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở Quy hoạch kiến trúc; Khoa học công nghệ và Viện Quy hoạch xây dựng về làm việc trong tháng 8 năm 2019.
Phó giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội nhấn mạnh trên địa bàn Thủ đô đã, đang và sắp triển khai nhiều dự án trọng điểm về các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông quan trọng. Cụ thể thành phố đang thực hiện 18 dự án có tổng mức đầu tư hơn 14.975 tỷ đồng, trong đó có 12 dự án chuyển tiếp, sẽ hoàn thành trong năm 2019, 6 dự án hoàn thành giai đoạn 2019 – 2020.
Dự án xây dựng đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Vọng dài khoảng 1.346/1.980m.
Tại dự án nói trên theo Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội hiện còn 8/655 hộ và tổ chức chưa bàn giao mặt bằng; dự kiến hoàn thành giải phóng mặt bằng trong tháng 6 này; phần diện tích còn lại của đoạn Ngã Tư Sở - Tôn Thất Tùng, đơn vị thi công dự án đường trên cao bảo đảm khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành toàn tuyến Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng trong năm nay.
Bên cạnh đó, 3 dự án đã hoàn thành; 2 dự án sẽ bàn giao trong tháng 6-2019, 2 dự án dự kiến hoàn thành trong quý III - 2019; 3 dự án sẽ hoàn thành trong năm nay; 1 dự án và 1 hạng mục sẽ hoàn thành trong quý I-2020.
Với 6 dự án mới triển khai trong giai đoạn 2019-2020, dự án xây dựng đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục đã được phê duyệt trong tháng 10-2018, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. 5 dự án còn lại: Khu Liên cơ Vân Hồ, trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, trụ sở Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng, Trường THPT Ngọc Tảo, cải tạo trụ sở Ủy ban Đoàn kết công giáo đều đã được phê duyệt trong năm 2018.
Đáng chú ý, nhiều dự án giao thông, trường học, nhà ở xã hội, công trình văn hóa khác cũng đang được Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Hà Nội tích cực triển khai.
Cũng theo ông Lê Văn Bính, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, số lượng hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng lớn... Hiện các đơn vị đã, đang tích cực làm việc với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để bàn giao và thi công.
Qua thực tế triển khai các dự án cho thấy yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến trình dự án là sự ủng hộ của dân cư khu vực dự án trong việc chấp hành các chế độ chính sách, chủ trương của Nhà nước và thành phố. Vì vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố mong muốn nhận được sự đồng thuận của các hộ dân trong khu vực dự án; chấp hành chế độ, chính sách, chủ trương, kế hoạch phát triển hạ tầng đô thị để đẩy nhanh tiến độ các dự án, xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại.