Tỉnh Gia Lai liên tiếp xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề
Xã hội - Ngày đăng : 19:24, 25/05/2019
Đơn cử, vào lúc 23 giờ 40 phút ngày 21/4/2019 tại kho của cửa hàng bán xe đạp ở số nhà 168 đường Hoàng Văn Thụ (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) do bà Nguyễn Thị Điểu làm chủ bỗng dưng phát hỏa. Hậu quả, hàng trăm chiếc xe đạp, xe điện các loại bị thiêu rụi, thiệt hại ước gần 1 tỷ đồng. Khoảng 22 giờ ngày 20/4/2019, ngọn lửa từ bếp của gia đình bà Kpă H'Mranh (SN 1967, trú làng Rniu, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) đã lan sang đống rơm rồi gây cháy nhà sàn. Khi lực lượng cứu hỏa dập tắt hoàn toàn ngọn lửa thì phát hiện cháu R'com Ra Ri Won (SN 2015) tử vong do ngủ quá say nên bị kẹt lại trong đám cháy. Ngoài ra, căn nhà sàn 2 gian của bà Kpă H'Mranh và 3 con bò cùng một số tài sản sinh hoạt gia đình bị thiêu rụi.
Một số vụ khác như vào ngày 22/4/2019, vụ cháy tại thôn Plei Num (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) khiến ngôi nhà sàn của bà Siu Hjoang bị trơ khung. Khoảng 16 giờ ngày 19/4/2019, ông Liêl (trú thôn Plei Trang, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện) dùng bật lửa để đốt rơm gần vách nhà sàn. Ngọn lửa bốc cao rồi cháy lan ra xung quanh khiến ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản bị cháy rụi, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Khoảng 7 giờ 17/4/2019, nhà kho chứa tiêu của Công ty TNHH một thành viên Liễu Định (địa chỉ thôn Hòa Tím, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) do ông Đào Ngọc Định (SN 1979) làm Giám đốc bỗng bốc cháy thiêu rụi nhiều tấn hàng hóa...
Theo Thượng tá Đặng Ngọc Hùng - Phó trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Gia Lai, nguyên nhân chính của các vụ hỏa hoạn là do người dân bất cẩn trong sử dụng nguồn lửa, trang thiết bị phòng cháy và chữa cháy tại cơ sở chưa được đảm bảo. Còn tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chính tập quán sử dụng lửa nấu nướng gần điểm tập kết các vật liệu dễ cháy như rơm rạ, nhà sàn, củi… kèm theo sự bất cẩn cũng là nguyên nhân dẫn đến hỏa hoạn.
Trước tình trạng trên, Cảnh sát cứu hỏa đã triển khai tuyên truyền hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng cháy chữa cháy, tổ chức kiểm tra việc sắp xếp bảo quản hàng hoá, các biện pháp quản lý chất cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện, các giải pháp chống cháy lan… Ngoài ra, đơn vị cũng kiểm tra chặt chẽ việc sử dụng các chất dễ cháy trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều cơ sở. "Để bảo vệ tài sản của chính mình cũng như giữ an toàn cho bản thân và người khác, các cơ sở kinh doanh cũng cần đầu tư kinh phí cải tạo các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, mua sắm bổ sung dụng cụ, phương tiện chữa cháy, tổ chức lực lượng thường trực tuần tra canh gác, bảo vệ để kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào", Thượng tá Hùng nói.