Gia Lai xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi
Xã hội - Ngày đăng : 15:39, 26/05/2019
Về địa giới hành chính, các xã Ia Blứ, Ia Hrú và thị trấn Nhơn Hòa giáp với xã Chư Đôn nên là những địa phương bị dịch uy hiếp, các xã Ia Dreng, Ia Le là vùng đệm. Hiện tại, UBND huyện Chư Pưh đã thành lập 2 chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn dịch lây lan trên diện rộng. UBND huyện Chư Pưh chỉ đạo trong thời gian có dịch, cấm mọi hoạt động mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật cảm nhiễm với bệnh dịch tả lợn châu Phi ra, vào vùng có dịch; yêu cầu UBND xã Chư Đôn thành lập Ban phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã, đồng thời phối hợp với ngành chức năng phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; yêu cầu các xã thuộc vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm thực hiện phòng dịch.
Tại công điện khẩn số 07, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các cấp, các ngành chức năng tập trung triển khai nghiêm túc, kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi theo tinh thần Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 20/5/2019 của Ban Bí thư. UBND huyện Chư Pưh có trách nhiệm huy động nguồn lực của địa phương nhanh chóng thực hiện các biện pháp bao vây, khống chế, dập tắt ngay ổ dịch, ngăn chặn, không để dịch lây lan ra diện rộng.
Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định của nhà nước về chống bệnh như nuôi nhốt, cách ly, tiêu hủy gia súc bệnh, kiểm soát khu vực có dịch; cấm biển báo vùng dịch; nghiêm cấm vận chuyển, giết mổ, bán chạy gia súc bệnh ra khỏi ổ dịch; vệ sinh tiêu độc, khử trùng tiêu diệt mầm bệnh để ngăn chặn bệnh tái phát, lây lan; thông báo về tình hình bệnh đang xảy ra trên địa bàn để nhân dân chủ động phòng, chống; đồng thời vận động, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường để phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi theo quy định; bố trí kinh phí từ dự phòng ngân sách của địa phương và nguồn kinh phí hợp pháp khác để xử lý ổ dịch và thực hiện chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật, khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, ổn định đời sống và khôi phục chăn nuôi trên địa bàn; trường hợp vượt quá khả năng ngân sách thì báo cáo UBND tỉnh để xem xét, hỗ trợ.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm cảnh báo tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, thành phố trong phải tập trung triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bệnh; chỉ đạo cử lực lượng cán bộ thú y cùng hóa chất, trang thiết bị, vật tư... xuống cơ sở để phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, xử lý triệt để các ổ bệnh, tuyệt đối không để lây lan ra diện rộng...
UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã theo dõi, giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, nếu xảy ra dịch phải báo cáo ngay; vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: “Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt"; hướng dẫn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chủ động triển khai công tác khử trùng, tiêu độc, vệ sinh môi trường bằng vôi bột nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh...