Phải lập tức loại bỏ tôm hùm đất

Xã hội - Ngày đăng : 11:44, 23/05/2019

(TN&MT) - Bộ NN&PTNT vừa có công văn hỏa tốc gửi các tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh, tiêu thụ tôm hùm đất (hay còn gọi là tôm càng đỏ, tên khoa học Cherax quadricarinatus). Xung quanh vấn đề này, GS. TS. NGND Mai Đình Yên - Khoa Sinh học - Đại học Khoa học Tự nhiên đã có những chia sẻ nhanh với phóng viên.
GS yen
GS. TS. NGND Mai Đình Yên - Khoa Sinh học - Đại học Khoa học Tự nhiên

PV: Được biết, đây là loài động vật ngoại lai cấm nuôi tại Việt Nam. Ông cho biết, mức độ nguy hiểm của về loài sinh vật này?

GS. TS. NGND Mai Đình Yên: Hiện nay, có 2 loài tôm hùm gần giống nhau được xét vào danh sách các loài động vật ngoại lai ở Việt Nam bao gồm tôm hùm đất và tôm hùm nước ngọt. Tại Thông tư 35/2018/TT-BTNMT của Bộ TN&MT; Thông tư liên tịch 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT, tôm hùm đất đã được ghi rõ trong danh sách động vật ngoại lai xâm hại tại phụ lục của hai Thông tư này. Còn tôm hùm nước ngọt vẫn đang cần nghiên cứu thêm nhưng theo tôi, loài tôm hùm nước ngọt cũng cần được cấm.

PV: Vậy hai loài tôm này có nguồn gốc như thế nào, thưa ông?

GS. TS. NGND Mai Đình Yên: Tôm hùm đất có nguồn gốc ở Bắc Queensland (Úc), được nhập vào Việt Nam từ tháng 5/2002 với 246 tôm bố mẹ và được nuôi thử nghiệm tại viện I. Cuối năm 2004, Bộ Thủy sản đã có chỉ thị cấm nuôi tôm càng đỏ. Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Bắc Mỹ. Năm 2008, Viện I đã nhập từ Trung Quốc 5 tấn tôm hùm nước ngọt về nuôi khảo nghiệm tại các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Ninh Bình. Bản chất 2 loài tôm này cũng được Trung Quốc nhập và cũng nằm trong danh sách các loài động vật ngoại lai của nước này.

PV: Trước tác hại của tôm hùm đất, ông có khuyến cáo như thế nào đối với người dân cũng như với các cơ quan chức năng?

GS. TS. NGND Mai Đình Yên: Theo tôi, không nên đưa loài động vật này vào thiên nhiên mà phải quản lý chặt chẽ để không gây ảnh hưởng đến các sinh vật bản địa. Bởi nếu đã ra đến ngoài tự nhiên sẽ rất khó kiểm soát. Nguyên nhân là tôm hùm đất đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương và rất khó bắt được chúng. Đáng lo ngại là đặc tính của loài vật này lại không sợ lạnh nên chúng hoàn toàn có thể sống trong môi trường của Việt Nam.

Vì vậy, sẽ phải nhanh chóng lọi bỏ loài này khỏi lãnh thổ Việt Nam bằng các biên pháp quyết liệt.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

GS. Đặng Huy Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật:

GS TSKH Đặng Huy Huỳnh


“Nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành "đại họa cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái. Chúng ăn tất cả thủy sinh, cạnh tranh nguồn thức ăn với sinh vật bản địa. Những loài tôm, cá đặc trưng của Việt Nam có thể biến mất khi tôm hùm đất xâm lấn.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, phó Cục Trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT):

hoang thi thanh nhan


“Tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật Đa dạng sinh học 2018. Việc kiểm soát tôm hùm đất gặp khó khăn vì thường được nhập qua đường tiểu ngạch. Khi phát hiện hành vi buôn bán, nuôi loài này, người dân cần báo ngay với UBND cấp xã gần nhất để kịp thời ngăn chặn.

Minh Phạm (ghi)