Đồng bằng sông Cửu Long: Hướng đến đô thị xanh bền vững
Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 14/05/2019
Từ nâng cấp đồng bộ hạ tầng đô thị…
Thông qua định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, thời gian qua, TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều dự án quan trọng trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng TP. Cần Thơ hiện đại, văn minh, thích ứng với BĐKH. Trong đó, đối với Dự án Nâng cấp đô thị, TP. Cần Thơ đã tiến hành nâng cấp hàng trăm tuyến hẻm, cải tạo hồ Xáng Thổi, Rạch Tham Tướng, Rạch Cái Khế, Rạch Sơn.
Đối với Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu Dự án TP. Cần Thơ từ nguồn vốn ODA đã và đang được thành phố triển khai tại các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Ô Môn và Cái Răng, với các hạng mục cải tạo rạch Ngỗng, rạch Phía Nam, nâng cấp chống ngập cho các tuyến đường Hòa Bình, Mậu Thân và các tuyến hẻm. Bên cạnh đó, TP. Cần Thơ cũng tiến hành đầu tư cải tạo hồ Bún Xáng với diện tích 12,6ha để hướng tới mục tiêu xóa bỏ tình trạng ngập nghẹt, ô nhiễm cho khu vực đô thị, cải thiện đời sống, nâng cao điều kiện vệ sinh môi trường của người dân.
Cùng với đó, đối với Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và Tăng cường khả năng thích ứng của đô thị do Ngân hàng Thế giới tài trợ đang được thành phố triển khai, với mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững TP. Cần Thơ trong bối cảnh BĐKH, giảm tổn thương cho thành phố khi bị ngập do lũ, triều cường; nâng cao tính năng động và kết nối trong đô thị, góp phần phát triển TP. Cần Thơ là đô thị xanh, đô thị sông nước. Ngoài ra, các công trình xây dựng cầu và đường Trần Hoàng Na, cầu Quang Trung đang được triển khai thi công không chỉ kéo gần khu vực trung tâm với khu đô thị mới Nam Cần Thơ mà còn tạo thêm điểm nhấn cho đô thị TP. Cần Thơ, trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội vùng ĐBSCL.
Tại Sóc Trăng, TP. Sóc Trăng đã tranh thủ sự quan tâm đầu tư từ Trung ương, tỉnh Sóc Trăng, đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp và người dân cùng với Nhà nước đầu tư hàng nghìn tỷ đồng thực hiện trên 300 công trình xây dựng cơ bản, góp phần làm cho diện mạo của thành phố ngày càng khang trang hơn. Theo UBND TP. Sóc Trăng, chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều dự án trọng điểm như: khu cảng sông, lát gạch vỉa hè 63 tuyến đường trong khu vực nội thành, bê tông hóa 100% tuyến hẽm…; đặc biệt, TP. Sóc Trăng đã xây dựng Dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải giai đoạn 1 cho toàn thành phố, với tổng mức đầu tư 6 triệu Euro. Dự án này hoàn thành giúp TP. Sóc Trăng nâng cao năng lực xử lý nguồn nước thải phát sinh cũng như tiêu thoát nước cho khu vực nội thị.
Còn tại Hậu Giang, với lợi thế là trung tâm của tỉnh, TP. Vị Thanh không chỉ quyết tâm đến năm 2020 được công nhận là đô thị loại II mà còn phấn đấu trở thành thành phố xanh và thông minh trong tương lai. Để thực hiện được mục tiêu này, ngoài nguồn lực đầu tư sau hơn 15 năm thành lập tỉnh (năm 2004) để xây dựng cơ sở hạ tầng mà nổi bật nhất là tuyến bờ kè dọc tuyến kênh Xáng Xà No, dự án mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vị Thanh có tổng mức đầu tư hơn 834 tỷ đồng mới được triển khai thực hiện cũng sẽ góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu vực thu nhập thấp, cải tạo môi trường sống cho người dân; cải tạo các tuyến đường, kênh rạch nội thị kết hợp hồ cảnh quan cho thành phố non trẻ Vị Thanh.
Tại cuộc họp đánh giá tiến độ triển khai dự án nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Vị Thanh mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Tuấn đã yêu cầu: “Các Sở, ban, ngành tỉnh tích cực hỗ trợ TP. Vị Thanh triển khai thực hiện hoàn thành các hợp phần của dự án, sớm đưa TP. Vị Thanh trở thành thành phố hiện đại, xanh - sạch - đẹp, góp phần hoàn thành các tiêu chí đô thị loại II vào năm 2020”.
Đến hoàn thiện hệ thống cây xanh
Ô nhiễm môi trường do khói, bụi, tiếng ồn ngày một gia tăng theo quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, chất lượng sống của người dân. Vì vậy, việc xây dựng, bảo vệ và phát triển mạng lưới công viên, cây xanh đang được các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL triển khai thực hiện, tạo không khí trong lành, thân thiện với môi trường cho các đô thị. Hiện nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL rất chú trọng đến việc tăng diện tích thảm xanh tại các khu đô thị mới.
Theo quy hoạch xây dựng chung của TP. Cần Thơ đến năm 2030, thành phố sẽ có hành lang xanh chạy dọc theo sông Hậu, có đoạn tiếp giáp với sông Hậu, có đoạn len vào trong các khu đô thị hình thành một trục xương sống đan xen với hệ thống sông, rạch, ao hồ, kết nối các khu đô thị với nhau hình thành một đô thị xanh, đô thị sông nước. Ngoài ra, phần diện tích cây xanh, mặt nước kết hợp với các giải pháp cân đối đào đắp tạo ra các khu vực cao, các vùng cho phép ngập, vùng chứa nước điều hòa giúp TP. Cần Thơ ứng phó hiệu quả với BĐKH trong tương lai.
Bên cạnh đó, tại khu vực trung tâm TP. Cần Thơ hiện có các Công viên Văn hóa miền Tây, Sông Hậu, Lưu Hữu Phước,... với hệ thống cây xanh đan xen, góp phần tạo địa điểm sinh hoạt ngoài trời, vui chơi, tập luyện thể dục thể thao lý tưởng của người dân, đồng thời tạo không gian rộng thoáng phục vụ cho các hoạt động văn hóa cộng đồng. Ngoài các công viên hiện hữu, trên địa bàn thành phố còn có các khu trồng cây xanh gắn với công trình di sản văn hóa, lịch sử và các địa điểm vui chơi, giải trí như cồn Cái Khế, cồn Khương, cồn Ấu, cồn Sơn.
Ninh Kiều là quận trung tâm TP. Cần Thơ, mật độ dân cư đông đúc, cây xanh chủ yếu tập trung tại công viên và các tuyến đường, vì vậy công tác chăm sóc, duy tu bảo dưỡng công viên, cây xanh được quận quan tâm thực hiện thường xuyên. Ông Nguyễn Thái Bảo - Trưởng Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều cho rằng, đối với các cây xanh trên vỉa hè tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều, đến mùa giông bão, nhân viên của Xí nghiệp Công viên cây xanh thường xuyên kiểm tra cây xanh có nguy cơ đổ ngã để có biện pháp xử lý kịp thời. Công tác trồng cây xanh công cộng được thành phố, quận Ninh Kiều đặc biệt quan tâm tạo môi trường sống trong lành cho người dân đô thị.
Còn tại Hậu Giang, sau hơn 15 năm thành lập, Vị Thanh từ một thị xã nhỏ, đến nay, đã trở thành đô thị loại III với cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đặc biệt là hệ thống cây xanh đô thị đang phát triển rất nhanh. Hầu hết, các tuyến đường cây xanh liên tục được trồng thêm để bổ sung, thay thế. Theo thống kê từ ngành chức năng tỉnh Hậu Giang, từ số lượng chỉ khoảng vài nghìn cây xanh, đến nay, con số này đã lên đến gần 30.000 cây xanh các loại. Dọc các tuyến đường lớn hay công viên, TP. Vị Thanh đều bố trí cây xanh có bóng mát kết hợp với một số điểm trồng cây cảnh. Ông Hứa Đình Dủ (ở phường 1, TP. Vị Thanh) chia sẻ: “Mấy năm gần đây, bộ mặt Vị Thanh ngày càng khởi sắc, nhiều công trình công cộng như công viên, cây xanh được đầu tư ngày càng hoàn thiện tạo môi trường thoáng mát”.
Theo Phòng Quản lý Đô thị TP. Vị Thanh, hiện hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố đang bám sát theo quy hoạch tổng thể chung xây dựng TP. Vị Thanh trở thành đô thị loại II. Dù tỷ lệ mật độ đất cây xanh đô thị và công cộng khu vực nội thị đã đạt theo tiêu chuẩn đô thị loại II, nhưng để đồng bộ hóa việc trồng cây xanh cũng như phát triển nhiều mảng xanh cho đô thị Vị Thanh, trong thời gian tới, TP. Vị Thanh sẽ thay thế, trồng mới một số loại cây đã bị thoái hóa ở một số tuyến đường. Song song đó, ở hầu hết các khu dân cư đều được thiết kế kết hợp giữa hệ thống công viên cây xanh, tạo điều kiện đáp ứng mục tiêu tăng diện tích cây xanh, góp phần cải thiện, bảo vệ môi trường đô thị và tạo bản sắc riêng cho thành phố này.