Thanh Hóa: Tạo nhiều cơ hội tìm việc làm cho lao động dân tộc thiểu số

Xã hội - Ngày đăng : 10:06, 04/05/2019

(TN&MT) - Với các giải pháp, sáng kiến tìm cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số. Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp, đa dạng các sàn giao dịch việc làm, nhằm giúp người lao động tìm được công việc phù hợp với khả năng, trình độ.

Từ kết nối việc làm

Trong năm 2018, thông qua hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, Thanh Hóa đã tổ chức 46 sàn giao dịch việc làm, với 704 lượt đơn vị tham gia. Kết nối dịch vụ thành công cho 6.732 người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động.

Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Như Xuân, thu hút đông đảo người lao động đến tìm hiểu việc làm
Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Như Xuân, thu hút đông đảo người lao động đến tìm hiểu việc làm

Thông qua việc tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm tại 45 xã ở các huyên miền núi vùng cao như: Thường Xuân, Ngọc Lặc, huyện Như Xuân, Bá Thước, Thạch Thành, huyện Như Thanh, huyện Nông Cống… đã tư vấn, giới thiệu việc làm và định hướng nghề cho 6.700 lượt người; số lao động được phỏng vấn, tuyển dụng trực tiếp tại địa phương là 387 người, số lao động được doanh nghiệp hẹn đến phỏng vấn tuyển dụng 596 người.

Điển hình như Ngày hội tư vấn việc làm tổ chức tại huyện Như Xuân (11/ 3/2019) anh Vi Văn Sơn (dân tộc Thái) ở xã Thanh Xuân chia sẻ: “Em đã tốt nghiệp Cao đẳng nhưng chưa tìm được việc làm. Em quan tâm về XKLĐ nhưng chưa rõ về các thị trường, thủ tục, kinh phí và mức thu nhập... Khi được tư vấn, em đã đăng ký được đi XKLĐ sang Hàn Quốc”.

Tương tự, chị Bùi Thị Quỳnh (dân tộc Mường) xã Hải Long, huyện Như Thanh kể: Em có con nhỏ không thể đi xa tìm việc, khi Trung tâm phối hợp với huyện tổ chức ngày hội việc làm, em đã đến nộp hồ sơ phỏng vấn xin việc. Rất may, em đã được một Công ty may tiếp nhận hồ sơ và đồng ý nhận làm việc.

Năm 2019, Trung tâm dự kiến tổ chức phiên giao dịch việc làm định kỳ tại đơn vị 3 hoặc 4 lần/tháng, Trong đó, mở các phiên giao dịch việc làm dành cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã về nước, nhằm tạo điều kiện để họ tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống, phát huy kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong thời gian làm việc tại nước ngoài, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

Rất đông lao động trẻ vùng sâu, vùng xa đến tìm cơ hội việc làm
Rất đông lao động trẻ vùng sâu, vùng xa đến tìm cơ hội việc làm

Ngoài ra, Trung tâm sẽ tăng cường tổ chức các sàn giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương, giúp người lao động tìm việc tại địa phương không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí, phù hợp năng lực, trình độ, đặc biệt là lao động DTTS ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa. Dự kiến, số lao động được phỏng vấn tuyển dụng thông qua sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm năm 2019 sẽ khoảng 5.850 người. Số đơn vị tham gia phiên giao dịch việc làm là 680 lượt đơn vị. Qua thu thập thông tin trong quý I, nhu cầu lao động các doanh nghiệp cần tuyển dụng hiện nay là 18.543 người.

Theo đó, Trung tâm đã tổ chức 01 phiên Giao dịch việc làm lưu động tại Như Xuân và 05 phiên Giao dịch việc làm định kỳ. Kết quả tư vấn việc làm, chế độ chính sách liên quan đến lao động - việc làm, hoạt động xuất khẩu lao động cho 12.380 lượt người. Kết nối việc làm thành công lao động làm việc trong nước, XKLĐ, học nghề là 864.

Đến nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm

Ông Lê Đăng Thanh nhìn nhận, trên thực tế, hoạt động của các sàn giao dịch việc làm vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là vai trò kết nối cung cầu lao động chưa thực sự phát huy. Ở một số địa phương, sự thực sự quan tâm đến giải quyết việc làm, do đó chưa tạo điều kiện cho Trung tâm và các doanh nghiệp phối hợp tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hội nghị tư vấn việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động tại địa phương.

Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Như Xuân, thu hút đông đảo người lao động đến tìm hiểu việc làm
Ngày hội việc làm tổ chức tại huyện Như Xuân, thu hút đông đảo người lao động đến tìm hiểu việc làm

Hiện nay, phần đa phần doanh nghiệp yêu cầu, người lao động phải có tay nghề phù hợp với nhu cầu tuyển dụng, có kinh nghiệm làm việc và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng làm việc. Trong khi đó, lao động phần đông là sinh viên mới ra trường và lao động phổ thông nên rất hạn chế những yêu cầu này…

Để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, đòi hỏi có sự quan tâm hỗ trợ thực chất hơn nữa của các đơn vị liên quan như Cục việc làm (Bộ Lao động-TBXH), Sở Lao động- TBXH, nhất là trong việc tăng cường nhân lực, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ tham gia công tác giới thiệu việc làm; hỗ trợ kinh phí rà soát, phân tích thị trường việc làm, số lao động cũng như tăng tần suất và hiệu quả các phiên giao dịch việc làm….

Có thể thấy rõ, với các giải pháp, sáng kiến cụ thể thì cơ hội việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động người dân tộc thiểu số đã được giải quyết cơ bản. Không những tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự địa phương cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.