Lính thủy “canh trời”
Xã hội - Ngày đăng : 23:19, 27/04/2019
Cõng nước lên lưng chừng núi
Đến Trạm radar 585, câu chuyện mà chúng tôi nghe Chính trị viên Thượng úy Lê Văn Chiên kể không phải về những khó khăn gian khổ của cán bộ chiến sĩ mà là niềm tự hào vinh quang và trách nhiệm lớn lao. Anh Chiên bảo: “Đối với Trạm radar 585 được canh cửa biển Vũng Tàu là một điều vinh dự. Nói đến lính radar ở nơi cao nhất là lẽ thường, bởi phải đặt máy ở độ cao nhất mới vươn cánh sóng được ra tầm xa”.
Đóng quân ở Núi Lớn thành phố Vũng Tàu ở độ cao 250 mét so với mực nước biển, nhiệm vụ của Trạm radar 585 là quản lý phát hiện mục tiêu trên mặt biển và không phận thấp; huấn luyện trắc thủ radar phân bổ cho các đơn vị trong Vùng. Để kịp thời kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền, những mục tiêu lạ đi lại ở cửa biển Vũng Tàu và khu vực giàn khoan dầu khí, các chiến sĩ phải trực canh liên tục 24/24 giờ, không được rời vị trí trực bất kể trong mọi tình huống. Nhiều người có gia đình vợ con ngay ở chân núi cách đơn vị chỉ 3 km nhưng tuần mới về thăm một lần. Đó là những sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp có gia đình, còn đối với các chiến sĩ và học viên thực tập, có khi cả tháng mới một lần “xuống núi”. “Trước đây, tôi đi nhà giàn DK1 đã xa vợ con đằng đẵng, lại càng thấy xa hơn. Tiếng đơn vị đóng quân ngay trong lòng thành phố, nhưng không phải tuần nào cũng về thăm vợ con được. Nhiệm vụ của lính radar luôn căng thẳng bận bịu, 24/24 quan sát mục tiêu. Xa nhà cũng là lẽ thường, ở đây ai cũng quen kham khổ, chịu khó rồi” - anh Chiên chia sẻ.
Khó khăn nhất hiện nay của Trạm radar 585 vẫn là thiếu nước ngọt. Nước ngọt sạnh dùng cho ăn uống phải mua ở Công ty Cấp thoát nước Vũng Tàu 80.000 - 100.000 đồng/khối. Mỗi lần mua, xe bồn chạy ngược leo dốc từ chân núi lên bơm vào bể chứa 10 khối ở khu B. 10 khối nước ấy bộ đội chỉ được dùng để ăn, uống dè dặt trong một tháng. Đối với các chiến sĩ trực trên đỉnh núi, nước được rót vào can nhựa để cõng lên. Từ khu nhà trung tâm phía lưng chừng núi, đưa được nước ngọt lên đỉnh vô cùng khó khăn. Đường quanh co, một bên là núi, một bên là vách rừng, chỉ sơ sẩy là cả người và can lăn xuống vực. Và để bảo đảm an toàn, mỗi lần thay trực, cả tiểu đội lưng cõng nước, chống gậy thường hành quân vào buổi trưa, vì lúc đó, sương tan tầm quan sát xa hơn.
Ở khu nhà tạm dừng lưng chừng núi, nước dùng cho cán bộ chiến sĩ tắm hàng ngày là nước tràn từ núi xuống khi mùa mưa. Do nước tràn từ núi xuống đêm theo nhiều độc tố từ cây rừng nên anh em phải dùng phèn khuấy lắng cặn. Dù là nước tràn từ núi xuống nhưng không phải ngày nào cũng được tắm. Qua Tết là mùa hiếm nước nhất, mỗi người tuần chỉ được tắm 2 lần. Do thiếu nước nên việc tăng gia trồng rau ở đây vô cùng khó khăn. Bầu bí chỉ sống được mùa mưa, còn mùa khô không có rau nào sống được, ngoài cỏ dại và cây rừng già cỗi. Các chiến sĩ trực trên đài A tuần thay phiên một lần. Kíp trực mới có nhiệm vụ gánh nước, gùi gạo, muối, đồ ăn leo dốc hơn 2.000 mét thay trực cho kíp cũ. Hạ sĩ Vũ Anh Ngọc nói: “So với đồng đội ở Trường Sa và Nhà giàn DK1, chúng tôi có phần thuận lợi hơn. Với chiến sĩ ở trạm radar khó khăn ấy được chúng tôi biến thành niềm vui trong cuộc sống”.
Mầm xanh trên “chảo lửa” khô cằn
Vượt qua cung đường dốc ngoằn nghoèo của Núi Lớn, đến Trạm radar trên đỉnh núi khô cằn này vào ngày đầu tháng 4, chúng tôi “sốc” với cái nắng của miền Đông Nam Bộ hừng hực như đổ lửa. Nắng rát mặt, nóng hầm hập suốt ngày đêm. So với “đường chim bay”, Trạm radar 585 chỉ các mặt đường Trần Phú chưa đầy 300 mét, nhưng để mua được bó rau, ký thịt, bộ đội phải chạy xe máy gần 4km đường núi, hoặc “len lỏi” trong rừng đồi dốc cả tiếng đồng hồ mới xuống được. Trước những khó khăn ấy, làm cách nào để có rau xanh ăn hàng ngày ngay trên đỉnh núi vốn khô cằn và nắng gió quanh năm này.
Công việc đầu tiên là huy động sức lao động của bộ đội lật tảng đá lớn, nhặt đá nhỏ, tìm triền đất bằng phẳng. Sau hơn một tuần lao động vất vả, khoảng đất đầu tiên vuông vắn được hình thành từng luống và những hạt rau cải li ti được các chiến sĩ bỏ xuống phủ đất lên trên. Từng ca nước rửa mặt, nước rửa bát không nhiễm xà phòng được tận dụng dồn lại tưới rau. Sau những giờ huấn luyện giữa “chảo lửa” trên đỉnh núi, các chiến sĩ hò nhau vào khe đá, tìm suối múc nước suối về tưới rau. Không thể nói hết những khó khăn nhọc nhằn vất vả, chỉ biết, sau hơn hai tuần chăm bẵm, những mầm xanh đội đất chui lên. Hơn một tháng sau, gần chục ký rau cải xanh mơn mởn được cắt về nấu canh trưa chia cho cả đơn vị. Bưng bát cơm trắng chan canh cải xanh, có chiến sĩ xúc động ngậm ngùi nhớ lại những ngày cả tiểu đội cởi trần đi “cõng” nước từ chân núi; có chiến sĩ “khoe” vết sẹo trên cẳng chân lần vác nước từ dưới đỉnh dốc trượt chân lăn ngã ba vòng.
Thượng úy Chiên chia sẻ: “Khí hậu trên đỉnh Núi Lớn rất nóng, gió. Trước đây, khi chưa có nước máy, khó khăn nhất của đơn vị là nguồn nước sinh hoạt. Bộ đội phải “cõng” từng can nước từ dưới chân núi lên để nấu ăn, tắm giặt. Nước không đủ sinh hoạt, nên việc trồng rau xanh cũng khó khăn không khác gì ở Trường Sa. Bây giờ có nước máy, song, chỉ lên đến khu A, còn bộ đội trực trên đỉnh núi (khu B) vẫn phải đèo nước từng canh lên hàng ngày mỗi lần thay trực”.
Nghĩ tưởng sống trên “chảo lửa” giữa đỉnh núi khô cằn việc tăng gia trồng rau xanh là không thể. Nhưng không, nhờ có bàn tay cần cù chịu khó và óc sáng tạo, cán bộ chiến sĩ Trạm radar 585 Hải quân đã “bắt đất đẻ ra rau xanh”. Từ chỗ phải mua rau hằng ngày ngoài chợ, nay bộ đội hoàn toàn “tự trồng tự ăn” hằng ngày. Thượng úy Chiên cho biết: Hiện nay, cả Trạm có diện tích tăng gia rải rác trên triền núi khoảng 2.000m2, bảo đảm sản phẩm rau, củ, quả sạch, thường xuyên đưa vào bữa ăn hàng ngày. Ngoài trồng rau xanh, chúng tôi còn chăn nuôi gà, lợn. Lúc nào cũng có gần trăm con gà, lợn vài ba con, cung cấp cho bếp ăn đơn vị trên 85% tổng số thực phẩm rau củ quả. “ Sau giờ huấn luyện mệt nhọc, chúng tôi hò nhau đi tăng gia trồng rau xanh. Chẳng ai ngờ, giữa đỉnh núi khô cằn vẫn có rau xanh ăn hằng ngày mới oách chứ”, Thượng úy Chiên, tự hào.
Ánh sao sáng trong tim chiến sĩ
Xác định “Trạm radar là mắt thần, không lơ là mất cảnh giác, không bỏ sót mục tiêu”, cán bộ chiến sĩ luôn duy trì nghiêm ngặt chế độ trực canh quan sát bằng khí tài điện tử và quan sát mắt thường. Bên cạnh chế độ chính sách được hưởng thêm 20% lương phụ cấp đặc biệt, cán bộ Trạm luôn làm tốt công tác động viên giáo dục chính trị tư tưởng, thương yêu chiến sĩ như anh em một nhà. Thượng úy Chiên cho biết: “Càng ở nơi khó khăn gian khổ, tinh thần đồng đội càng nâng cao, trước hết, cán bộ phải gương mẫu cho chiến sĩ học tập và noi theo. Có thương yêu chiến sĩ như anh em một nhà, anh em mới yêu mến đơn vị và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.
Chia tay Trạm radar 585 khi thành phố đã lên đèn. Cơn gió chướng ràn rạt phía hồi nhà mà vẫn ngửi thấy mùi oi nồng của đất bốc lên. Trên đỉnh Núi Lớn các chiến sĩ Trạm radar 585 căng thẳng trong ca trực theo dõi mục tiêu trong hình quang. Giữa đỉnh núi cao ấy, không có ánh điện lung linh, chỉ có ánh sao sáng trong tim người chiến sĩ. Đó là ánh sáng của niềm tin yêu lạc quan vào cuộc sống.