Nắng nóng kéo dài, vùng cao Lai Châu “khát nước“
Xã hội - Ngày đăng : 14:44, 23/04/2019
Nắng nóng kéo dài những ngày qua không chỉ gây cháy rừng, mà con gây hạn hán, thiếu nước sản xuất và nước sinh hoạt trầm trọng ở nhiều xã vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Để có nước sinh hoạt, người dân phải mang can đi hàng chục cây số để lấy nước, rất khó khăn.
Tờ mờ sáng, tại khe núi trong rừng già cách bản Xin Chải, xã Mù Sang đã có vài ba chục người ngồi trực bên mó nước nhỏ. Người cầm xô, người cầm chậu, người cầm can được xếp hàng từng dãy chờ đến lượt lấy nước. Người dân ở đây cho biết, để có đủ nước để sinh hoạt, hàng năm bà con trong vùng thường chỉ trông chờ vào trời mưa. Năm nay nắng nóng kéo dài, nên việc thiếu nước càng trầm trọng và để có nước dùng, bà con phải đi xa để lấy. Một ngày bà con phải đi lấy nước hai lần vào buổi sáng, tối và phải tiết kiệm mới đủ nước để dùng.
Chị Cứ Thị Dung, ở bản Xin Chải, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ nói: “Nước ở bản này thiếu nhiều quá, bà con sáng đi chở một lần, tối đi chở một lần mà cũng không đủ nước dùng. Từ tháng 7, tháng 8, rồi tháng 12 và đến bây giờ cũng chưa có nước. Mong muốn nhà nước đầu tư một công trình nước có bể chứa để bà con đỡ vất vả thêm nữa”.
Người dân khó một, các trường bán trú trên địa bàn khó mười. Để có đủ nước cho hàng trăm học sinh đủ ăn uống, sinh hoạt, hàng ngày thầy cô giáo các trường học phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng, phân chia nhau đi lấy. Có hôm mó lấy trước đó đã hết, các thầy cô lại phải đi bộ vào rừng để tìm nguồn nước mới và mất nửa ngày trời mới có được nước mang về cho học sinh sử dụng.
Thầy giáo Vàng Văn Hưng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mù Sang cho biết, các nhà trường cũng đã được đầu tư bể nước để dự trữ, nhưng chỉ được vài tháng mùa mưa. Mấy ngày nay nắng nóng kéo dài, việc thiếu nước càng trầm trọng. Nguồn nước ở đây tìm rất khó khăn vì đồi núi dốc. Các nhà trường cũng đã kết hợp với chính quyền địa phương đi tìm và đào các hố sâu ở những điểm có nước ở các khe suối để dự trữ, nhưng chẳng được bao lâu.
Thầy giáo Vàng Văn Hưng nói: “Thầy cô giáo 4 giờ đêm đã phải đi lấy nước về nấu nướng cho các em học sinh bán trú. Các thầy cô cũng kết hợp với chính quyền địa phương đi tìm nguồn nước, tuy nhiên phải đi chở ở nguồn nước rất là xa. Nguồn nước trên địa bàn rất khó khăn, chỉ mong chính quyền địa phương và các đoàn thể chung tay để tìm nguồn nước về chăm lo đời sống cho các em học sinh”.
Xã Mù Sang, huyện Phong Thổ hiện có 10 bản, với hơn 500 hộ và trên 3.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 650 học sinh ăn, ở bán trú ở các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Thế nhưng, năm nào cũng có 8/10 bản thiếu nước sinh hoạt trong 7 tháng và việc phải mang can đi từ 4 đến hơn 10km để lấy nước về dùng là chuyện thường xảy ra. Qua các đợt tiếp xúc cử tri năm nào bà con cũng kiến nghị, nhưng các đề án, dự án cấp nước đến nay vẫn chưa thấy đâu.
Ông Hảng A Dao, Chủ tịch HĐND xã Mù Sang cho biết: “Xã Mù Sang thường một năm thiếu nước từ tháng 1 cho đến tháng 7. Bà con cũng đã có ý kiến, mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư cho một công trình nước để bà con có nước sử dụng”.
Các xã đang "khát" nước nhiều nhất hiện nay là Mù Sang, Dào San, Vàng Ma Chải, Pa Vây Sử, Sì Lở Lầu. Nhiều năm nay, chính quyền huyện Phong Thổ và các ngành của tỉnh Lai Châu cũng đã đi khảo sát và đưa ra nhiều giải pháp để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân đào mó nước, xây dựng các bể tích nước, nhưng đều không hiệu quả vì thiếu nguồn cung cấp.
Ông Bùi Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu nói: “Năm 2017, 2018, Sở NN-PTNT đã cùng với UBND huyện lên các địa bàn này để khảo sát, kiểm tra và đưa ra các phương án để đảm bảo nước sinh hoạt cho đồng bào vùng cao. Đến năm ngoái cũng đã có dự án huyện đã trình, sở nông nghiệp cũng đã thẩm định, nhưng mà do cái việc phê duyệt cũng còn có những cái nó đang tranh cãi nên là chưa thực hiện được”.
Nắng nóng kéo dài những ngày qua càng khiến cơn khát nước của người dân xã vùng cao Mù Sang và các địa phương vùng cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung càng trầm trọng hơn. Trong khi chờ các dự án cấp nước được phê duyệt, khởi công, thì hàng ngày người dân nơi đây vẫn phải mang can đi hàng chục cây số tìm nguồn nước. Bà con mong sớm có một dự án cấp nước sinh hoạt mang tính lâu dài và bền vững để cuộc sống ổn định hơn.