Nhọc nhằn nghề bán “giấc mơ”
Xã hội - Ngày đăng : 13:57, 19/04/2019
Lặng lẽ mưu sinh
Cơn mưa đêm tầm tã vừa ngớt, vợ chồng anh Dương lục đục lôi chiếc xe đạp “cởi truồng” không phanh, không gác đờ-bu rồi dặn con gái “ngủ với em rồi mẹ về đưa đi học”. Điệp khúc ấy, sáng nào cũng lặp đi lặp lại khi hai con chị đang ngủ và có lẽ chúng cũng chẳng nghe. Ra khỏi nhà, chị vợ đạp xe ngược Nghẹo ông Từ (ngã ba ông Từ phường 12 Tp Vũng Tàu), còn anh Dương đi xuôi hướng thành phố. Vợ chồng anh Dương phải đi sớm bán cho người dân đi lễ nhà thờ và uống cà phê sớm. 6 giờ sáng, chị vợ quay về căn nhà của mình ở đồi Nhái (bãi tắm trại Nhái) phường 11 đánh thức con dậy và cho chúng đến trường. Ăn vội ổ bánh mì khô khốc, chị lại đạp xe đi bán tăng hai.
Vợ chồng anh Dương quê gốc tận ngoài Nam Định chọn bán vé số làm nghề mưu sinh. Bởi ở thành phố du lịch Vũng Tàu đông đúc này, với thân hình tật nguyền của Dương và đôi mắt dị tật bẩm sinh của chị Hiền khó có thể xin một công việc kiếm sống từ đồng lương ổn định. Đã nhiều năm qua, cả gia đình anh sống bằng nghề bán vé số. Dương cười nhăn nhở mỗi khi ai đó ngoắc tay “ê- bán cho tờ vé số” hoặc có ai đó kêu “số ơi”. Dương bảo “khi chưa có vợ em cũng bán vé số. Cả hai vợ chồng em làm nghề này chỉ đắp đổi qua ngày. Nghề vé số là đi bán giấc mơ cho người khác. Nắng đắt mưa ế. Ngày nắng bán được nhiều hơn, ngày mưa là tắt bữa, vì không có ai ra đường”. Một tấm vé anh lời bao nhiêu? - “lời 480 đồng. Ngày bán được 100 vé là lời 48 ngàn. Họa may, có người trúng số cho em 200 ngàn là vợ chồng em sống cả tuần rồi”. Dương cười hô hố để lộ hàm răng còn dính bánh mì. Anh kể: Quê anh ở Nam Định. Dương là con thứ 4 của gia đình. Ở phường 11 ai cũng biết anh vì anh đi cà nhắc (chấm phẩy). Vậy mà nói đến hoàn cảnh, ai cũng thương và mua vé số cho anh. Căn nhà anh ở hiện nay là do UBND phường 11 xây theo diện nhà tình nghĩa. Hai con, đứa gái lớn đi làm thuê, đứa nhỏ đi học. Chúng tự nấu ăn, tự đi ngủ, tự học bài mỗi khi bố mẹ chúng đi bán vé số đêm. Lâu lắm mẹ mới chở chúng đi học bằng xe đạp một lần. Nhìn các bạn ăn bún sáng mà thèm rỏ dãi. Hằn lên trên khuôn mặt ngây thơ, lúc nào hai con chị Hiền cũng thèm khát. Em Thương (con gái chị Hiền) bảo “cả tháng mẹ mới mua một bữa thịt heo. Bữa nào cũng ăn cơm cá khô”.
Một hoàn cảnh đáng thương khác là em Nguyễn Văn Đức đến từ Tiền Giang. Đức theo người cùng quê lên thành phố Vũng Tàu bán vé số kiếm tiền gửi về cho bố và gì ở quê. Em tâm sự “gia đình con nghèo lắm. Bố con có gì hai không thương con. Con thường bị gì đánh và bắt đi kiếm tiền. Không có tiền, gì không cho ăn”. - Em học lớp mấy rồi? – “con học lớp 4. Con muốn đi học như các bạn nhưng bố nghe lời gì không cho đi”. Những người bán vé số ở cùng phòng với em Đức bảo “Từ hôm qua đến giờ nó ốm đó chú ạ. Sốt cao lắm. Mới hôm rồi, bố nó lên lấy tiền. Sáng nay nó vẫn đi bán. Bây giờ sốt vầy bán sao được nữa”- em uống thuốc gì chưa? Đức gật đầu. Tôi mua cho em ly sữa đậu nành. Đức nhìn tôi ứa hai hàng nước mắt, môi mấp máy như nói điều gì đó mà không thành tiếng. Em khóc, mấy người bán vé số cũng khóc theo. Hay mảnh đời vé số của anh Thương ở khu phố Phước An phường 10 thành phố Vũng Tàu cũng lắm éo le. Anh Thương bị tật nguyền bẩm sinh. Hằng ngày trên chiếc xe lăn đi bán vé số kiếm tiền cho con ăn học. Anh bảo “cả hai vợ chồng em làm vé số mà không đủ ăn. Nếu cả hai vợ chồng đi từ sáng sớm thì được 60 đến 70 ngàn là nhiều. Em dành tiền mua thuốc cho má đang ốm ở nhà, còn lại mới dùng”. Với số tiền ấy, không đủ cho đứa trẻ con nhà giàu ăn sáng, vậy mà vợ chồng anh phải dầm mưa dãi nắng khắp thành phố cả ngày mới có được.
Có lẽ ở thành phố Vũng Tàu biết bao những mảnh đời vé số, mỗi người có một hoàn cảnh gia đình đáng thương khác nhau, nhưng tựu chung lại là họ đều biết vươn lên số phận làm chủ cuộc sống, kiếm miếng cơm manh áo, nhặt nhạnh từng đồng từng cắc, dẫu công việc của họ nhọc nhằn mưa nắng và đổ không ít mồ hôi. Và điều đáng trân trọng là họ có tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ, trách nhiệm với những người cùng cảnh ngộ, chia ngọt sẻ bùi lúc khó khăn hoạn nạn.
Cùng cảnh ngộ
Trên chiếc xe đạp cũ nát, chị Mai rướn người đạp từng bước nặng nề leo dốc. Khuôn mặt hốc hác sạm đen vì nắng. Chị ngồi bệt xuống triền cát ven đường, ngửa nón đếm từng đồng tiền xu, tiền giấy lẫn lộn. Lẩm bẩm “cả ngày hôm nay chỉ được 40 ngàn, còn 9 tờ nữa không bán cho ai được. Thôi mình ôm luôn biết đâu lại đổi đời”. - ôm như thế không trúng lấy tiền đâu mà bù? - “thì mình bỏ tiền ra. Đại lý chỉ hỗ trợ 10% nếu những vé mình ôm không trúng bất kỳ giải nào và phải giữ nguyên vé nộp cho đại lý trước giờ xổ số. Còn trúng thì nói gì nữa”. Có bao giờ chị ôm mà trúng chưa? “làm gì có chú ơi. Phận đời vé số rong ruổi khắp nẻo đường thành phố mang giấc mơ đến cho mọi người, cực nhọc đã đành mà chẳng có tương lai. Những tờ vé số, như số người đi bán. Lỡ may thượng đế nào trúng thương tình cho một, hai trăm ngàn là coi như mình trúng số rồi. Mà người trúng toàn người giàu không hà”.
Rồi chị kể cho tôi nghe cuộc đời “ba chìm bảy nổi” của chị (lời chị nói). Năm 1998, chị bỏ miền sơn cước Hương Sơn Hà Tĩnh vào Vũng Tàu sinh sống cùng với cái thai không tác giả. Đất khách quê người lấy gì nuôi thân khi hai bàn tay trắng không nghề nghiệp. Trong túi vẻn vẹn còn 30 ngàn, chị liều đi mua 15 tờ vé số (mỗi tờ lúc đó là 2 ngàn đồng) rồi “nhập” cùng bọn trẻ cơ nhỡ đi bán dạo khắp bờ biển Vũng Tàu mỗi đêm. Ban ngày chị đi rửa bát cho tiệm phở kiếm cơm ăn. Trong một lần lấy vé số nơi đại lý, chị tình cờ gặp anh Hách người Quỳnh Lưu Nghệ An (anh Hách cũng có hoàn cảnh éo le nghèo khổ). Như hai cuộc đời hoà lẫn vào nhau, họ nên vợ thành chồng mà không cần cưới hỏi. Anh Hách thông cảm với hoàn cảnh của chị. Chị Mai thương anh Hách nghèo khổ mồ côi. Không nhà cửa, không gia tài, ngày hợp hôn, họ nằm trên bãi lá thông (lá xoan mọc) ở đồi Nhái (đồi Nhái phường 11) ôm nhau mà tâm tình. Sớm hôm sau, chị Mai đi bán vé số, anh Hách chặt cành cây dựng lều. Chiếc lều của họ cheo leo giữa đồi hoang vắng. Không điện, không nước, không người qua lại, ngày đi bán vé số, đêm về làm bạn với chim rừng. Hai người tựa vào nhau lay lắt qua ngày. Đứa con của chị Mai ra đời trong túp lều cỏ ấy.
Chị gạt nước mắt chỉ tay về sau lưng: “Chú biết răng không. Tui có cái nhà ni là là trời cho vợ chồng tui đó. Ba năm trước, trong một đêm mưa tầm tã tui nằn nèo một ông mua vé số cho tôi. Ông ta nhìn tôi ái ngại và mua cả 20 tờ. Ông chẳng để ý đến vé mà mua như giúp tôi. Dè đâu, tối hôm sau vợ chồng ông đến chỗ cũ tìm tôi và cho tôi 10 triệu. Nghe đâu ông ấy trúng hơn tỷ đồng. Vậy là tôi có nhà ni. Ở đời, ở hiền gặp lành chú hề. Chú mua cho tôi đi, biết đâu mai chú lại trở thành tỷ phú”. Rồi chị cười móc từ chiếc bóp cũ kỹ một tập vé số của ngày hôm sau. “tập vé ni tôi cố bán đêm nay cho hết. Ngày mai tôi không đi được, vì ở nhà trông anh ấy bệnh”…
Màn đêm buông xuống, bãi Trước, bãi Sau, bãi Dứa, bãi Dâu lung linh sắc màu ánh điện. Đối lập với dòng người tấp nập nối đuôi nhau trên đường phố. Họ đi xem ca nhạc, đi uống cà phê, đi khách sạn nhà hàng ăn uống vui chơi giải trí ngày nghỉ cuối tuần, là những em bé, người già, phụ nữ, người đạp xe, người đi bộ với tập vé số trên tay chìa cho người này, chìa cho người kia trông đợi, để kiếm từng đồng tiền mua gạo mưu sinh.