Ngắm “phố làng hàu” ở bán đảo Long Sơn
Xã hội - Ngày đăng : 17:19, 13/04/2019
1. Cho đến bây giờ sau hơn 10 năm “phố nuôi hàu” xuất hiện trên sông Chà Và, người dân ở xã đảo Long Sơn vẫn nhắc đến ông Nguyễn Văn Phúc ở tổ 3 thôn 7- một doanh nhân thành đạt từ nuôi hàu biển. Chín năm trước, thấy được tiềm năng kinh tế từ nuôi hàu trong lồng bè, sau nhiều đêm trăn trở, ông Phúc về bàn với vợ đem “cắm” mảnh đất, vay lãi ngân hàng đầu tư lồng nuôi hàu dưới lòng sông với diện tích hơn 1 héc ta mặt nước.
Không kể xiết những ngày đầu gian khổ, khi chưa có nhiều kinh nghiệm làm lụng trên sông, nhất là đồng vốn còn hạn hẹp, dòng chảy mạnh, nước lên xuống thất thường và bồn chồn lo lắng. Bởi tất cả vốn liếng, nhà cửa đổ xuống lồng hàu, nếu thất bại, ông sẽ trắng tay, phá sản. Không phụ công người vất vả, vụ hàu đầu tiên ông Phúc thu hoạch được 70 tấn hàu, với giá 6.000 đồng/kg. Trừ tiền chi phí, ông thu lời hơn 400 triệu đồng. Số tiền đó, ông đem trả ngân hàng, còn lại mua sắm vật dụng đắt tiền, thuê thêm thợ làm công nhật, và không quên giành một phần đầu tư giống hàu mới và lồng nuôi hiện đại chịu được độ mặn và dòng nước chảy xiết. “Ngày đó chưa nhiều người nuôi như bây giờ, nước sông cũng sạch hơn, chất lượng hàu cũng nhiều đạm hơn. Sau vụ đầu tiên nuôi hàu, tôi thấy nếu nuôi cá bớp trong lồng bè cũng có thể được. Vậy là tôi đầu tư 40 lồng nuôi thêm cá bớp trên diện tích bề mặt sông chừng 2.000 mét vuông. Nguyên cá bớp thôi cũng thu lời 200 triệu đồng trừ chi phí”, ông Phúc kể lại.
Tiếng lành đồn xa, mô hình kinh doanh hàu của ông Nguyễn Văn Phúc lan rộng khắp xã đảo Long Sơn. Nhiều hộ gia đình bắt chước ông Phúc mua sắm lồng, vay vốn và bắt đầu chuyển nghề làm ăn mới. Sau 5 năm nuôi hàu, gia đình ông Nguyễn Văn An ở thôn 6, từ một gia đình nghèo khó, thiếu gạo ăn hằng ngày, nay trở thành giàu có, mua sắm nhiều vật dụng sinh hoạt đắt tiền, xây cất nhà mới, mua được cả đất cho con mỗi người một mảnh. Ông An chia sẻ: “Làm nghề nuôi hàu cũng không cực nhọc, nhưng có kinh nghiệm là chủ yếu. Nhiều khi làm chơi ăn thật, trúng cả nửa tỉ là chuyện thường”. Tôi thắc mắc “làm chơi ăn thật” là sao thưa ông? thì ông An phân trần: “Đối với con hàu con, cứ ném xuống lồng là nó tự sống, tự lớn, chẳng cần phải tốn công sức chăm sóc. Riêng cá bớp phải chăm sóc kỹ càng, ăn đầy đủ dinh dưỡng. Sợ nhất là nước bị ô nhiễm, dễ bị bệnh”. Ông An cho biết, gia đình ông khá giả như hiện nay là học nuôi hàu từ ông Phúc. Những ngày đầu, ông nuôi nhưng chẳng hi vọng lời nhiều, không ngờ, khi thu hoạch, ông lời gần 40 triệu đồng. “Được kích cầu, tôi đầu tư nuôi 300 con cá bớp, ai dè, lúc bán lời vài chục triệu đồng nữa. Bây giờ tôi là người nuôi cá bè lớn nhất trên sông Chà Và này với hơn một trăm bè cá lớn nhỏ. Mỗi năm thu lãi từ 300 đến 400 triệu đồng trừ chi phí. Khi chưa làm nghề này, tôi làm muối quần quật cả năm mà vẫn nghèo, thiếu trước hụt sau. Nuôi hàu, nuôi cá bè chẳng tốn công sức nhiều mà thu lời cao. Tôi nói làm chơi ăn thật là vậy đấy”, ông An chia sẻ chân thành.
2. Long Sơn là xã đảo thuộc vùng xa trực thuộc thành phố Vũng Tàu. Vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Long Sơn thuộc diện nghèo nhất của tỉnh BR-VT với những những tên gọi “ba không” (không đường nhựa, không điện chiếu sáng, không có nước ngọt). Muốn đi sang Long Sơn, người dân từ thành phố Vũng Tàu chỉ có một con đường duy nhất là đi đò. Cả xã đảo có một trường học cấp 1 ở Gò Găng. Cuộc sống của người dân mư sinh chủ yếu nghề làm muối.
Từ khi xã đảo Long Sơn và thành phố Vũng Tàu được nối liền khoảng cách bởi hai cây cầu Gò Găng và Chà Và, đời sống nhân dân ở xã đảo này bắt đầu thay da đổi thịt, mà khởi nguồn là nuôi hàu trên sông Chà Và. Nguyên chủ tịch UBND xã Long Sơn, ông Lê Văn Mùi, cho biết: toàn xã hiện nay có trên 14 ngàn dân, trong đó có hơn 8000 hộ sinh sống bằng nghề nuôi trồng hải sản và các nguồn lợi từ hải sản, còn lại làm nghề làm muối. Khu nuôi trồng thủy sản hiện nay trên sông Chà Và chừng trên 3 ngàn héc ta nuôi mặt nước, với 5.037 lồng bè/ 118 cơ sở nuôi. “Nghề nuôi hàu, cá lồng ở dưới sông Chà Và đã thực sự làm thay đổi đời sống của nhân dân xã đảo. Từ chỗ xã nghèo, nay đã vươn lên làm giàu. Nhiều hộ gia đình mua xe hơi, xây nhà lầu từ hàu, người dân phấn khởi. Các hộ dân nuôi hàu, hải sản trên sông Chà Và tính tổng thể thu nhập một năm trên một trăm tỉ đồng, sản lượng trên 5 ngàn tấn hải sản các loại, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Có gia đình nuôi đến hơn 200 lồng bè hàu và hải sản các loại. Nói tóm lại, Long Sơn ngày càng thay da đổi thịt”, ông Mùi nói.
Không những trở thành nơi cung cấp hàu và các loài thủy, hải sản với số lượng lớn của tỉnh, Long Sơn còn nổi tiếng bởi mô hình nhà hàng lồng bè nổi trên sông Chà Và. Vào hai ngày nghỉ cuối tuần, những “phố nổi” này đón hàng trăm lượt khách du lịch đến tham quan, câu cá, ngắm cảnh và không quên ngồi trên bè thưởng thức món hàu giàu dinh dưỡng. Để rồi, sau chuyến về xã đảo, những thực khách vẫn hẹn ngày tái ngộ ăn hàu.