Đậu phụ sạch không thạch cao: Cái tâm cái đức để lại cho đời
Xã hội - Ngày đăng : 14:58, 04/04/2019
24 giờ, 4 tiếng và 300 ngàn
“Để làm được những thanh đậu phụ này, vợ chồng tôi phải dậy từ lúc 2 giờ sáng và lục đục cả đêm. Nhiều bữa muốn ốm nhưng không dám nghỉ. Chúng tôi chỉ ngủ 4 giờ một đêm. Ông bà tôi gắn bó với nghề 15 năm rồi. Nghề này như một cái duyên, tuy không giàu nhưng làm được nhà cao cửa rộng”, đó là chia sẻ của vợ chồng ông Đặng Đình Thưởng và bà Hoàng Thị Nguyệt - người mưu sinh bằng nghề làm đậu phụ ở 72 đường Đô Lương phường 11 TP. Vũng Tàu.
Tiếng lành đồn xa. Một chiều cuối tuần tôi ghé nhà của ông Thưởng mua đậu hũ. Thấy tôi mặc quân phục Hải quân, ông Thưởng vơ chiếc áo khoác vội lên người đon đả: “Chú mua đậu phụ à. Vừa ép xong, còn nóng, về ăn được luôn”. Còn bà Nguyệt thì cười hà hà: “Chú biết chú Hiển không? chú ấy cũng bộ đội Hải quân chiều nào cũng đến đây lấy bã về chăn nuôi. Bộ đội mua nhiều lắm chú”.
Một ngày làm việc của vợ chồng ông Đặng Đình Thưởng và Hoàng Thị Nguyệt bắt đầu từ 2 giờ sáng với 25 kg đậu tương hạt. Khi người dân khu phố đang nồng nàn trong giấc ngủ, thì ông bà thức dậy lục đục vo đậu, đãi vỏ cho vào cối xay. Ngọn đèn ne-on không đủ sáng bởi phản chiếu của màu bồ hóng đen kịt hắt xuống từ mái nhà. Khói nghi ngút từ bếp lò làm tôi cay chảy nước mắt, nhưng đối với ông Thưởng là “chuyện nhỏ”. Căng mắt nhìn vào nồi đậu phụ bốc hơi ngùn ngụt, hai chân chạng vững, tay cầm đũa cả dùng sức khuấy, vớt bọt sôi sung sục. Trên cái nóng hừng hực của than củi và hơi nước, chiếc khăn lau mặt luôn thường trực trên vai không kịp khô bởi mặt ông lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Đôi mắt ông giãn ra trong nóng bức, “nghề này không khó làm nhưng đòi hỏi chịu khó và khéo tay, không làm giàu nhưng kiếm cơm thì “dư xăng” - ông ngoảnh lại phân trần.
Bình quân một ngày kiếm được bao tiền thưa bác? - “được 300.000 đồng, đó là trừ chi phí rồi nhưng chúng tôi phải giậy từ 2 giờ sáng. Một đêm chỉ ngủ được 4 tiếng, trưa chợp mắt 1 tiếng. Nghề này phải làm đêm để bán lúc sáng sớm cho công nhân”.
Đậu phụ không phụ công người
Sau 29 năm trong quân ngũ, “nếm mật nằm gai” trên đất bạn Campuchia và chiến trường biên giới Tây Nam, đầu năm 2002, giã từ màu áo lính, ông Thưởng Diễn Hạnh, Diễn Châu (Nghệ An) với hành trang duy nhất là bản lĩnh người lính chiến sau chiến tranh. Làm gì để thoát nghèo khi trong tay mình không có nghề nghiệp gì ngoài nghề làm đậu phụ gia truyền từ đời ông nội để lại? chẳng nhẽ mình chịu đói nghèo mãi trong mái nhà rơm rạ? “Bao đêm trằn trọc suy nghĩ, rồi cuối cùng bài toán thoát nghèo cũng mở ra. Lúc đó tui nói với bà nhà tui, mình vay vốn mở xưởng đậu phụ. Bà ấy bĩu môi “Dân Diễn Châu đi biển ăn cá chứ ai ăn đậu hũ đâu mà anh làm nhiều. Làm bán cho hàng xóm được rồi”. Tui bảo, ăn cá nhiều cũng chán, mà mình đâu chỉ bán cho người trong xã, phải bán cho cả huyện, người trong tỉnh nữa chứ. Vậy là tui vay tiền mua máy xay đậu và bắt đầu kinh doanh. Nói là “xưởng đậu phụ” nhưng thực ra chỉ con cháu trong nhà làm thôi, mặc cho bà ấy phản đối”, ông Thưởng chia sẻ.
Đậu phụ làm ra nhiều nhưng nếu chỉ bán cho người dân làm muối và đi biển ở xóm thì chẳng ăn thua gì. “Sản phẩm của mình phải có vị trí trên thương trường”, ông Thưởng bắt đầu tạo thương hiệu bằng “đậu phụ không hàn the”. Trong khi nhiều người làm đậu phụ bỏ hàn the hoặc thạch cao cho chắc, nhìn đẹp mắt, thì ông “nói không với phụ gia”. “Cho thạch cao, hoặc hàn the vào, bìa đậu phụ chắc, đẹp, trắng, nhưng ăn vào ảnh hưởng tới sức khỏe. Tôi không làm được việc đó, thà mình chấp nhận bán chậm, nhưng họ ăn sẽ nhớ đến mình”, ông Thưởng cho biết.
Tiếng lành vang xa, người dân Diễn Châu giã từ với đậu phụ thạch cao, họ đến mua đậu phụ của ông Thưởng ngày càng nhiều. Không chỉ người trong xóm, trong xã, mà cả ở những xã khác cũng tới mua về ăn. Ngày nối ngày, từ những đồng tiền lãi chắt chiu góp lại, ông Thưởng trả hết nợ nần, xây được nhà mái bằng, có tiền cho con học đại học. Một năm có 365 ngày thì ngần ấy thời gian nhà ông sáng đèn từ lúc 2 giờ sáng. Những bìa đậu phụ vừa ép trong khuôn nóng hổi bốc hơi, cũng là lúc trời rạng sáng.
Thấy ông “ăn nên làm ra” từ nghề đậu phụ, nhiều người đã bắt chước làm theo ông. “Có người tham làm giàu bỏ hàn the, thạch cao cho đậu phụ đông cứng nên họ đã “đốt cháy giai đoạn”. Người dân bây giờ tinh lắm, đậu có hàn the ăn chat mà rước bệnh vào người”, ông Thưởng cho biết.
Chữ tâm theo nghề
Vợ chồng ông Thưởng bà Nguyệt chọn phường 11 Vũng Tàu để phát triển nghề đậu phụ từ năm 2009. “Không phải như ông bà tui “lăn lưng” để kiếm miếng cơm manh áo như thời trước nữa, mà muốn đem thương hiệu “đậu phụ sạch” của mình phục vụ người dân. Các con tui có nhà cửa, cuộc sống ổn định cả rồi, tui cũng muốn tự do”. Theo ông Thưởng, đậu hũ của ông lúc nào cũng đắt như tôm tươi và ít khi phải đem đi chợ bán, mà bán ngay tại nhà.
Thứ bảy, chủ nhật, ngày rằm ông làm tới 75 kg đậu tương hạt nhưng cũng không đủ để bán cho khách. Khách mua đậu hũ của ông không chỉ người lao động nghèo, công nhân, mà cả những người “dư tiền lắm bạc” ở phường khác cũng tới mua. Ông Thưởng cho biết “Tôi chẳng có bí quyết gì đâu. Sở dĩ đậu hũ của tôi bán chạy là vì tôi không bỏ hàn the, thế thôi. Hỏi về cách nhận biết đậu hũ bỏ hàn the, ông Thưởng cho biết: “Đậu hũ bỏ hàn the rất nhanh chắc, đẹp mắt và trắng, nhìn không phát hiện ra được, nhưng ăn vào có hại cho sức khỏe. Tôi dùng chính nước chua của tương ủ lên men để làm đậu phụ sạch. Làm đậu phụ không thạch cao là cái tâm cái đức để lại cho đời”.