Còn đó những bất an
Xã hội - Ngày đăng : 11:21, 02/04/2019
Ngay như vấn đề ăn uống, mọi thực phẩm được cung cấp cho người dân đều bị buông lỏng quản lý, không có cơ quan nào giám sát và chịu trách nhiệm về độ an toàn và chuẩn mực. Bắt đầu từ những loại “rau sạch, quả sạch” một thời được ca ngợi như là giải pháp cho an toàn và sức khỏe, sau một thời gian ngắn, lối tư duy ăn xổi ở thì, chụp giật, liều lĩnh, vô trách nhiệm đã thấm đẫm vào từng luống rau, cây ăn quả.
Để rồi những sản phẩm có hình thức “an toàn và sạch” nhưng bản chất thì bẩn và nguy hiểm chẳng kém gì những loại rau bẩn, quả bẩn trước đó. Tất cả các quy định, tiêu chuẩn, quy trình đưa xuống các vùng sản xuất này khi người giám sát ngoảnh mặt đi đã lập tức bị bỏ qua, bất chấp hậu quả mà các “thượng đế” ở thành thị phải hứng chịu. Rồi đến các loại gia súc gia cầm đang được ùn ùn đẩy từ mọi miền quê về các đô thị cũng khiến cho mọi người tiêu dùng dù thông minh đến mấy cũng… không thể thông minh được.
Bây giờ, tại nhiều gia đình, người dân đô thị tự chuẩn bị cho mình những “vườn rau nho nhỏ” trên sân thượng, mảnh đất nhỏ ven nhà, ven đê. Cứ thế, để chống chọi với sự bành trướng của thực phẩm bẩn, người dân tìm mọi cách để có thực phẩm sạch, tự cung cấp cho mình. Niềm tin vào nguồn cung từ thị trường là vô cùng thấp. Dù thế, số đông người dân đô thị vẫn phải tiêu thụ một lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc từ khắp các ngõ ngách của đô thị.
Hiểm họa cứ đâu đó rình rập quanh ta. Một sự bất an ngay trong bữa ăn hàng ngày. Những bó rau nõn nà, những trái táo căng mọng… thật bắt mắt. Nhưng hãy coi chừng, trong đó còn ẩn chứa quá nhiều dư chất độc hại có thể tàn phá lục phủ ngũ tạng con người.
Nguồn nước “sạch” được cấp theo kênh dịch vụ của các nhà máy nước, hàm lượng chất độc hóa học clo hòa tan trong nước cao gấp nhiều lần mức cho phép, chưa kể đến các hàm lượng khoáng chất khác, các tạp chất chưa được loại bỏ. Tiến bộ hơn một bước là các loại nước khoáng đóng chai nhỏ, chai lớn bán cho các hộ gia đình, sau một thời gian “phát tài” nhờ kinh doanh nước, các cơ sở bung ra như nấm. Bây giờ, mỗi lần nhấc điện thoại lên gọi mua nước, nhiều “thượng đế” lại băn khoăn không biết tin vào ai.
Dường như ai cũng hiểu việc sinh sống ở trong các vùng đô thị hiện nay là tự nguyện sống trong một môi trường độc hại vì ô nhiễm nghiêm trọng. Bầu không khí trong đô thị luôn mù mịt khói, bụi và cơ man các loại khí thải độc hại khác. Nguồn nước ô nhiễm nặng nề. Ô nhiễm âm thanh các loại cộng với niềm “đam mê” văn hóa bấm còi inh ỏi của hàng vạn tài xế dưới những tuyến đường nêm chặt phương tiện giao thông khiến cho dây thần kinh của các công dân - thượng đế thành thị - luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, không lối thoát.
Có phải chính những điều đó đang khiến con người ngày càng phải đối mặt nhiều hơn với các căn bệnh nan y?(!) Đó cũng là lý do vì sao WHO xếp Việt Nam nằm trong 50 nước thuộc top 2 của bản đồ ung thư (50 nước cao nhất thuộc top 1). Cụ thể, Việt Nam đang xếp ở vị trí 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ khảo sát với tỷ lệ tử vong 110/100.000 người, ngang với tỷ lệ tại Phần Lan, Somalia, Turmenistan.
Trên thế giới, đã từng có những cuộc “dịch chuyển”, chốn chạy văn minh đô thị để ra với những ngôi nhà “sinh thái”. Ở Việt Nam, dường như cũng rục rịch theo hướng đi này. Nhưng, dù có “trốn chạy” đi đâu, cuộc sống của chính các cư dân sẽ khó có thể thay đổi nếu không thay đổi từ nhận thức, trong mỗi hành động.
Chất lượng cuộc sống của người dân đô thị không phải chỉ đo bằng sự sung túc với những bữa ăn chất ngất, với dòng xe xa hoa hay những tòa nhà chọc trời; mà trong đó, thước đo sức khỏe của mỗi cư dân đô thị cần được bảo đảm từ những điều nhỏ nhất, với chất lượng từng lít nước, mớ rau, cân thịt mỗi ngày.