Sơn La: Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp

Xã hội - Ngày đăng : 16:21, 31/03/2019

(TN&MT) – Tính đến hết ngày 28/3, trên địa bàn tỉnh Sơn La đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại 17 xã, thị trấn thuộc 6 huyện. Song song với công tác phòng chống dịch, tỉnh Sơn La cũng đang tập trung hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường trong phòng chống dịch bệnh.
Huyện Yên Châu tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh
Huyện Yên Châu tiến hành tiêu hủy lợn mắc bệnh

Theo báo cáo nhanh từ Ban Chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi tỉnh Sơn La, đến hết ngày 28/3, dịch tả lợn Châu Phi đã xuất hiện tại 17 xã, thị trấn thuộc 6 huyện Thuận Châu, Quỳnh Nhai, Bắc Yên, Mường La, Sông Mã và Yên Châu. Các cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy hơn 1.400 con lợn, với trọng lượng hơn 25.000 kg.

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có nguy cơ tiếp tục lan rộng, tỉnh Sơn La đang tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tạm dừng việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn từ các vùng có dịch ra khỏi địa bàn trong khoảng thời gian 30 ngày kể từ khi con lợn cuối cùng mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi đươc tiêu hủy trên địa bàn.

Đối với việc giết mổ lợn, chỉ cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính đối với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vùng có dịch (cấp xã, huyện, tỉnh). Thịt và sản phẩm thịt lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng có dịch theo công bố của Chủ tịch UBND huyện. Việc giết mổ phải được thực hiện tại các cơ sở giết mổ đã được cấp phép, đảm bảo vệ sinh thú y. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở giết mổ lợn, xử lý nghiêm các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, hoạt động không phép.

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi
Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Với việc tiêu hủy lợn tại ổ dịch, phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi. Với các hộ, trại chăn nuôi lợn trong cùng tổ, bản có dịch bệnh, tiêu hủy toàn đàn có lợn biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định. Với trang trại quy mô lớn, nhiều ô chuồng, dãy chuồng, xử lý tiêu hủy toàn bộ số lợn trong ô chuồng có lợn bệnh. Tiếp tục theo dõi, giám sát các ô chuồng khác, nếu lợn có biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh, thực hiện ngay việc tiêu hủy.

Việc xử lý chôn lấp, tiêu hủy lợn phải đảm bảo yêu cầu tiêu diệt được virus dịch tả lợn. Trường hợp chôn sâu phải đào hố chôn độ sâu ít nhất từ 3m trở lên. Địa phương không thể đào hố chôn sâu cần bảo đảm đắp đất, đá, cát cao, không để phát tán mầm bệnh và chất thải ra môi trường. Có rào bảo vệ hố chôn lấp và rắc vôi, khử trùng tiêu độc phía trên và xung quanh nơi chôn lấp.

Tăng cường thông tin tuyên truyền về các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của Nhà nước với tổ chức, cá nhân có lợn phải tiêu hủy, về diễn biến tình hình dịch bệnh, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đặc biệt là thực hiện vệ sinh cơ giới, sát trùng tiêu độc bằng rắc vôi bột, phun thuốc sát trùng khu vực chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi, người ra vào khu vực chăn nuôi…

siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm dịch
Siết chặt kiểm soát tại các chốt kiểm dịch

Bên cạnh đó, Sở TN&MT Sơn La đã có công văn gửi các huyện, thành phố hướng dẫn công tác bảo vệ môi trường trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, Sở TN&MT đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn theo dõi, kiểm tra khu vực được xử lý ô nhiễm bằng màu và mùi với môi trường đất, các nguồn nước (như nước mương, nước ruộng, nước sinh hoạt) và không khí xung quanh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có sự cố. Không để chất ô nhiễm phát tán vào nguồn nước mặt, nước nuôi trồng thủy sản, hoa màu, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt và nước chăn nuôi gia súc. Nội dung này được thực hiện hàng ngày trong vòng một tuần và hàng tuần trong vòng tuần thứ 2 đến tuần thứ 12, từ sau khi chôn lấp.

Chỉ đạo phòng chuyên môn rà soát, báo cáo Sở TN&MT về các điểm chôn lấp lợn bệnh, các điểm chôn lấp cần lấy mẫu phân tích môi trường nước mặt, điểm cần lấy mẫu nước ngầm được lấy tại một giếng khoan, giếng đào gần nhất (nếu có) để cơ quan chuyên môn tổng hợp, xây dựng kế hoạch lấy mẫu phân tích. Có kế hoạch huy động các nguồn lực cho việc giám sát, xử lý ô nhiễm môi trường và sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.