Hà Nội: Huy động mọi lực lượng tập trung phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Xã hội - Ngày đăng : 20:36, 31/03/2019

(TN&MT) - Tính đến ngày 28/3/2019, dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã lây nhiễm ra 23 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, đã có trên 73.000 con lợn bị tiêu hủy. Đối với Hà Nội, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội trên toàn địa bàn có tổng số 2.086 con lợn tiêu hủy. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, UBND thành phố Hà Nội đã họp bàn nhằm tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống DTLCP.
Hà Nội: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn

Nguy cơ lây lan cao

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội đến nay DTLCP vẫn chưa có vắc xin phòng chữa bệnh hiệu quả. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, bệnh dịch có nhiều con đường lây lan, trong khi Hà Nội là nơi trung chuyển, tiêu thụ và chăn nuôi lợn với số lượng lớn; tổng giá trị ngành chăn nuôi chiếm tỉ trọng cao trong ngành nông nghiệp, bệnh dịch xảy ra trên diện rộng sẽ gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi gia súc, môi trường sản xuất kinh doanh của người dân, tâm lý trong đời sống xã hội, đặc biệt là các huyện ngoại thành.

Thời gian qua các cấp, các ngành thành phố đã ý thức vào cuộc tương đối tích cực triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, việc kiểm soát bệnh dịch lây lan trên địa bàn vẫn còn nhiều hạn chế, các giải pháp, biện pháp triển khai thực hiện còn chưa hiệu quả, thiếu đồng bộ. Nguy cơ bệnh dịch lây lan diện rộng trên địa bàn thành phố thời gian tới vẫn còn rất cao.

Trao đổi với Báo Tài nguyên và Môi trường bà Hoàng Thị Minh Thu - Phó Chi cục trưởng Chị Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Sở Y tế Hà Nội cho biết: Bệnh DTLCP là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên loài lợn, bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỉ lệ chết cao lên đến 100%.

Mặc ra chỉ gây ra đối với lợn (không lây nhiễm, gây bệnh ở người) nhưng dịch bệnh có tốc độ lây rất nhanh nên nguy cơ gây bệnh là rất lớn. Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn, lan truyền qua không khí, thức ăn, nước uống, phương tiện vận chuyển...

Nguy cơ lây lan từ các ô dịch lợn tả châu Phi trên địa bàn Hà Nội vẫn rất cao
Nguy cơ lây lan từ các ô dịch lợn tả lợn Châu Phi trên địa bàn Hà Nội vẫn rất cao

Để phòng, chống DTLCP, Sở Y tế Hà Nội đã phối hợp với Ngành NN&PTNT và các Sở, ban ngành liên quan trong việc kiểm tra về công tác phòng, chống DTLCP; đảm bảo ATVSTP trên địa bàn thành phố.

Trong đó, đặc biệt là tăng cường phối hợp các hoạt động kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn chấp hành các quy định về ATVSTP trong vận chuyển, kinh doanh, sử dụng gia súc và các sản phẩm từ gia súc tại các bếp ăn tập thể, các cơ sở chế biến thức ăn sẵn tại các cụm công nghiệp, trường học mẫu giáo, trường mầm non. Phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và công khai hành vi, các cơ sở vi phạm quy định ATVSTP để người dân biết.

Để tránh gây hoang mang trong cộng đồng Chi Cục cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền phố biến cho người dân hiểu và nắm bắt thông tin là bệnh DTLCP không lây sang người. Tuy nhiên, ngành Y tế khuyến cáo bà con tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm từ thịt lợn mắc bệnh, thịt lợn không rõ nguồn gốc, không ăn tiết canh, thức ăn chế biến từ thịt gia súc chưa qua nấu chín...

Tăng cường phòng, chống dịch

Khi phát hiện ổ dịch, triển khgai đồng bộ ngay tất cả các biện pháp phòng, chống xử lý bệnh dịch
Khi phát hiện ổ dịch, triển khai đồng bộ ngay tất cả các biện pháp phòng, chống xử lý bệnh dịch

Cũng theo bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết, để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh DTLCP hiệu quả trên địa bàn, vừa qua UBND thành phố đã tổ chức họp bàn và sau đó cụ thể hóa bằng Văn bản số 318/TB-UBND, mới nhất ngày 22/3/2019 của UBND TP. Hà Nội với nội dung thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố về phòng, chống DTLCP.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở NN&PTNT Hà Nội khẩn trương ra soát, chuyển giao thiết bị cho các địa phương (còn thiếu) phục vụ công tác tiêu hủy lợn bệnh.

Đối với cơ chế lợn hơi hiện nay thấp hơn giá đền bù UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công thương cập nhật, công bố thông tin giá thị trường thịt lợn hơi, thông báo đến UBND các quận, huyện, thị xã qua hệ thống thư điện tử trước 10h sáng hàng ngày làm căn cứ lập biên bản xác định mức bồi thường cho người dân cơ lợn bị DTLCP phải tiêu hủy, đồng thời thông báo rộng rãi, công khai cho người dân biết, không để vi phạm quy chế xử lý việc đền bù hỗ trợ.

UBND các quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tập trung vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP theo chỉ đạo của Trung ương và thành phố.

UBND cac quận, huyện, thị xã; UBND các xã, phường, thị trấn tập trung vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP
UBND thành phố yêu cầu các quận, huyện, thị xã tập trung vào cuộc quyết liệt, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTLCP

Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi, nhất là các hộ nhỏ lẻ biết, chủ động phòng tránh trên cơ sở thực hiện có hiệu quả các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến rộng rãi các biểu hiện về bệnh dịch để người dân biết.

Khi có dịch bệnh xuất hiện, lợn có biểu hiện bị sốt, phải báo ngay cho chính quyền cơ sở, cán bộ thú y để khẩn trương lấy ngay mẫu xét nghiệm. Khi phát hiện ổ dịch, triển khai đồng bộ ngay tất cả các biện pháp phòng, chống xử lý bệnh dịch; xác định nguồn gốc lây bệnh, không để lây lan ra diện rộng; thực hiện các biện pháp tiêu hủy lợn bệnh theo đúng quy trình, thủ tục; tổ chức thực hiện chốt, chặn, kiểm soát toàn bộ đường ra vào nơi diễn ra ổ dịch trong vòng 30 ngày, sau đó mới công bố hết dịch.

Với những địa bàn và các cơ sở chăn nuôi lợn chưa pháp hiện bệnh dịch, các địa phương, Sở NN&PTNT và các đơn vị có liên quan phải phố biến các biện pháp chăm sóc đàn lợn đúng quy trình, hạn chế thấp nhất việc sử dụng thức ăn tại các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, tập trung thực hiện các giải pháp về môi trường, vệ sinh chuồng trại, kiểm tra các nguồn thức ăn...