Giải mã đảo cát bí ẩn ngoài khơi Cửa Đại

Xã hội - Ngày đăng : 16:16, 29/03/2019

(TN&MT) - Một đảo cát rộng có hình dạng khủng long tuyệt đẹp bất ngờ xuất hiện ngoài cửa biển Cửa Đại (TP. Hội An) đang gây nên sự chú ý của dư luận về nguyên nhân hình thành. Đảo cát này đang được kỳ vọng sẽ mở ra giải pháp cứu bờ biển Cửa Đại - vốn bị sạt lở nghiêm trọng.
Đảo nổi hình thành ngoài biển Cửa Đại, TP. Hội An
Đảo nổi hình thành ngoài biển Cửa Đại, TP. Hội An

Bí ẩn đảo cát “khủng long”

Đảo cát có chiều dài khoảng 3000m, rộng khoảng 200m, nằm cách bờ biển Cửa Đại (TP. Hội An) gần 2 hải lý, có thể di chuyển đến bằng các loại thuyền nhỏ. Từ sau Tết Kỷ Hợi, người dân Hội An đã đi thuyền ra đây để tổ chức các hoạt động vui chơi ngoài trời, bắt cua bắt còng...

Theo người dân làng chài Cửa Đại, TP. Hội An, từ khi biển “tấn công” nuốt trôi hàng trăm mét bờ biển, phá bay bờ kè và ăn sâu vào đất liền, người dân nơi đây đã làm lễ gọi cát về. Khoảng 5 năm trước dải cát đã xuất hiện nhưng do còn nhỏ nên bị chìm hẳn dưới nước. Năm 2017, trải qua sự biến thiên của dòng chảy, dải cát này bắt đầu được bồi lấp và nhô lên khỏi mặt nước như hiện nay.

Theo ThS. Nguyễn Ngọc Thế - Trưởng khoa Kỹ thuật tài nguyên nước và môi trường (Trường CĐ công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung), có hai nguyên nhân hình thành đảo cát. Nguyên nhân đầu tiên có thể là do tình trạng xói lở bờ bắc Cửa Đại và đợt mưa năm 2017 đã đưa cát từ thượng lưu sông Thu Bồn tạo thành.

“Từ những đợt mưa lũ lớn như vào năm 2017 và các thủy điện xả lũ, khi năng lượng dòng chảy của sông lớn, kéo theo lượng bùn cát trên thượng lưu theo đó chảy về Cửa Đại. Thứ hai, do cơ chế xói lở ở bờ biển Cửa Đại, khi có gió mùa đông bắc, sóng lớn gây xói lở bờ biển phía bắc, từ đó lấy đi lượng cát rất lớn”- ThS. Nguyễn Ngọc Thế phân tích.

ThS. Nguyễn Ngọc Thế còn đưa ra một nguyên nhân nữa, liên quan đến cơ chế xói lở ở bờ biển Cửa Đại. Khi có gió mùa đông bắc, sóng lớn gây xói lở bờ biển phía bắc đã lấy đi lượng cát rất lớn. Khi xuất hiện gió mùa tây nam, đông nam, theo cơ chế sóng tác động sẽ mang lượng bùn cát bên ngoài đưa ngược lại vùng ven bờ.

Người dân cắm trại, vui chơi trên đảo nổi (ảnh M.Hải)
Người dân cắm trại, vui chơi trên đảo nổi (ảnh M.Hải)

“Tuy nhiên, cơ chế này hiện không đủ sức điều hòa lượng bùn cát cho khu vực bờ biển phía bắc Cửa Đại, mà chỉ đủ sức tập trung bùn cát tại cửa sông Thu Bồn mà thôi. Bởi năng lượng của dòng chảy sông Thu Bồn hiện không đủ sức đưa bùn cát về bồi lắng như vậy được. Do vậy, để có kết luận chính xác nguyên nhân hình thành đảo cát cần thời gian, số liệu từ các thuật toán mô phỏng đảo cát”- ThS. Nguyễn Ngọc Thế chia sẻ.

Còn ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam cho hay, đây là chuyện tạo hóa của thiên nhiên. Để biết chính xác nguyên nhân xuất hiện đảo nổi này phải tổ chức hội thảo, mời các nhà khoa học.

“Vì biến hóa của thiên nhiên lúc chìm lúc nổi mình không thể biết được. Để biết cụ thể phải đi khảo sát cụ thể như thế nào. Bây giờ là mùa hè gió đông thì nó như thế này, còn mùa gió Bấc thì nó đi đâu…”- ông Tấn nói.

Tìm cách dịch chuyển nguồn cát

Trao đổi với ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch TP. Hội An cho biết, doi cát này thật sự đã có từ rất lâu rồi, nhưng nguyên nhân hình thành thì không ai biết. Theo ông Hùng, mùa biển lặng năm 2018, có hiện tượng cát bồi lần ra theo hướng từ huyện Duy Xuyên kéo ra hướng TP. Hội An. Đến thời điểm hiện tại, cồn cát bồi này kéo dài hơn 3.000m và chiều rộng khoảng 200m. Đảo nằm trên luồng ghe tàu từ Cửa Đại ra Cù Lao Chàm. Hiện nay, vệt bồi có xu hướng lớn dần lên, việc ra vào của các tàu thuyền rất khó khăn.

Hàng chục năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày càng khốc liệt. Để cứu biển Cửa Đại, TW và tỉnh Quảng Nam đầu tư hàng trăm tỷ đồng chống xói lở khẩn cấp bờ biển Cửa Đại với các hình thức kè cứng kết cấu bê tông cốt thép hoặc túi vải địa kỹ thuật đoạn từ khu nghỉ dưỡng Victoria đến khách sạn Palm Garden. Ngoài ra, chủ đầu tư khu resort, khách sạn quanh khu vực Cửa Đại cũng bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây kè để bảo vệ tài sản. Thế nhưng, cứ sau mỗi đợt triều cường, các đoạn kè bị sóng đánh tan hoang, nguy cơ Cửa Đại bị xóa sổ ngày càng hiển hiện rõ.

Đảo cát mở ra những hướng mới để các chuyên gia tìm giải pháp chống lại sự sạt lở ở Cửa Đại
Đảo cát mở ra những hướng mới để các chuyên gia tìm giải pháp chống lại sự sạt lở ở Cửa Đại


Hiện chính quyền tỉnh Quảng Nam đang có kế hoạch nghiên cứu, thăm dò hút cát từ đảo mới hình thành để phun trả về phía bờ biển Cửa Đại vốn đang bị xói lở nghiêm trọng. Nguồn cát trả lại cho bãi biển Cửa Đại ưu tiên lấy từ bãi cát này. Bởi, bãi cát này nguyên thủy là cát của Cửa Đại, đồng dạng, cùng một địa hình, địa mạo, địa chất ở đây, khi phun vào thì sẽ chịu đựng rất tốt và kết dính được với thềm ở biển Cửa Đại.

Bên cạnh đó, luồng tàu nguyên thủy nằm ở phía Bắc, nhưng qua thời gian đến bây giờ luồng tàu dịch về phía Nam, dẫn đến dòng chảy cũng dịch về phía Nam, không đưa cát ở sông ra bổ sung cho Cửa Đại. Hướng đang nghiên cứu là dịch chuyển nguồn này ổn định hơn về phía Bắc để tạo điều kiện cho cát trong sông ra cũng về Cửa Đại.

Dự kiến, trong tuần tới lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức một đoàn gồm các chuyên gia để khảo sát đảo nổi này.

Liên quan đến đảo nổi này, ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN-PTNT nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp.