Thanh Hóa: Tưng bừng khai hội đền Bà Triệu 2019

Xã hội - Ngày đăng : 17:36, 27/03/2019

(TN&MT) - Sáng ngày 27/3, tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã long trọng diễn ra lễ kỷ niệm 1771 năm ngày mất của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22/2 năm Mậu Thìn 248– 22/2 năm Kỷ Hợi 2019) và Lễ hội Bà Triệu năm 2019.

Tham dự khai mạc lễ hội có ông Phạm Đăng Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều lãnh đạo các ban ngành địa phương và đông đảo du khách thập phương.

Nhiều chương trình ca nhạc truyền thống diễn ra trong ngày khai hội.
Nhiều chương trình ca nhạc truyền thống diễn ra trong ngày khai hội.

Nữ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Bà Triệu (tên húy là Triệu Thị Trinh) sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226) ở vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (huyện Yên Định ngày nay) là người giỏi võ nghệ, khí phách quật cường.

Lúc bấy giờ nước ta bị nhà Ngô chiếm đóng, cai trị. Không cam chịu ách độ hộ tàn bạo của nhà Ngô, khi mới 17, 18 tuổi, Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên chống lại ách đô hộ của giặc Ngô, được nhân dân khắp nơi hưởng ứng tham gia.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Phạm Đăng Quyền đánh trống khai mạc lễ hội
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa – Phạm Đăng Quyền đánh trống khai mạc lễ hội

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248) triều Đông Ngô đã cử một đạo quân hùng mạnh gồm 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu. Sau nhiều tháng vây hãm với hàng chục trận đánh đã diễn ra, nhưng giặc Ngô vẫn không đánh bại được nghĩa quân. Cuối cùng quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân Bà Triệu. Để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết hy sinh trên đỉnh núi Tùng vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (248). Bà Triệu hy sinh trên núi Tùng năm 248 khi mới 23 tuổi. Hình ảnh Bà cưỡi voi ra trận đã trở thành biểu tượng lẫm liệt về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam, làm cho quân thù phải khiếp sợ.

Đông đảo lãnh đạo các cấp và nhân dân địa phương tới tham dự ngày khai hội
Đông đảo lãnh đạo các cấp và nhân dân địa phương tới tham dự ngày khai hội

Để ghi nhớ công lao và tinh thần quật cường của Bà, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ Bà Triệu ở trên triền núi Gai, lăng Bà Triệu ở núi Tùng và đình Bà Triệu ở làng Phú Điền, xã Triệu Lộc tạo thành một quần thể tam giác di tích văn hóa lịch sử ghi dấu cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Ngô một thời gian khổ, hào hùng.

Như thường lệ, lễ hội sẽ chính thức diễn ra trong hai ngày 22 và 23-2 âm lịch. Ngày 24-2 âm lịch thuộc vào ngày chính kỵ, sẽ không tế mà chỉ làm lễ với một số lễ vật riêng theo nghi thức truyền thống...

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức hằng năm, thể hiện sự thành kính và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về lòng yêu nước và biết ơn đối với các bậc tiền nhân, Anh hùng dân tộc.