Hà Nội: Dồn sức ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Xã hội - Ngày đăng : 18:59, 23/03/2019

(TN&MT) - Thời điểm này, tại Hà Nội dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan rộng ra địa bàn 7 quận, huyện với tổng đàn lợn buộc phải tiêu hủy là 1244 con. Trước sự lây lan chóng mặt cùng mức độ nguy hiểm của dịch bệnh các địa phương trên địa bàn thành phố đang phải tập trung lực lượng, dồn sức ứng phó với DTLCP.
Hà Nội: Dồn sức ứng phó với dịch tả lợn châu Phi
Hà Nội dồn sức cho công tác ứng phó với dịch tả lợn châu Phi

Diễn biến phức tạp

Ngày 24/2/2019 cơ quan thú y Hà Nội nhận được thông tin hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Thái Sơn – Địa chỉ Tổ 17 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên có hiện tượng lợn ốm, bỏ ăn, lợn sốt xảy ra ở nhiều con trong đàn. Ngay sau đó, chính quyền địa phương đã thành lập Tổ công tác xuống điều tra, qua xác minh xác định tổng số 25 con lợn rừng có biểu hiện mắc bệnh DTLCP.

Ngày 25/2, khi phát hiện có dịch, lực lượng chức năng đã thống nhất thực hiện ngay các biện pháp bao vây, cách ly khu vực chăn nuôi, khống chế toàn bộ số lợn nghi mắc bệnh. Sau đó tiến hành các thủ tục tiêu hủy đàn lợn bằng phương pháp chôn lấp tại chỗ theo quy định.

Ông Đoàn Hồng Phong – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết: Từ khởi điểm DTLCP phát sịnh tại một địa phương là phường Ngọc Thụy. Đến nay, dịch bệnh này đang diễn biến phức tạp với tổng cộng 41 hộ gia đình chăn nuôi ở 26 thôn của 19 xã, phường thuộc 7 quận, huyện là Long Biên, Hoàng Mai, Sóc Sơn, Gia Lâm, Đông Anh, Quốc Oai và Thường Tín.

Đặc biệt, dịch đã bắt đầu có chiều hướng lan rộng từ các ổ dịch đã được lực lượng chức năng phát hiện và tổ chức tiêu hủy trước đó, điển hình hiện nay dịch đã lây lan trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Sóc Sơn là: Quang Tiến; Tiên Dược; Nam Sơn; Đông Xuân và 1 xã của huyện Đông Anh là Cổ Loa, làm mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 118 con.

Ngành thú y và chăn nuôi thường xuyên tổ chức phun tiêu độc khử trùng
Ngành thú y và chăn nuôi các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố thường xuyên tổ chức phun tiêu độc khử trùng, vệ sinh môi trường ngăn chặn DTLCP lan rộng

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cũng khẳng định, nguyên nhân gây lây lan DTLCP trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua chủ yếu là do người chăn nuôi tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, khách sạn. Cụ thể, trong tổng số 7 vùng phát hiện dịch DTLCP thì có tới 4 quận, huyện khẳng định, nguyên nhân là do người dân tận dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn.

Dẫn chứng tại hộ chăn nuôi của quận Long Biên, ông Nguyễn Quốc Văn – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: Trước khi phát sinh ổ dịch tại địa phương, chủ hộ chăn nuôi là ông Nguyễn Thái Sơn vào các buổi sáng thường đi thu gom thức ăn thừa từ nhà hàng, khách sạn tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng... sau đó về cho lợn ăn. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến đàn lợn 25 con của hộ ông Sơn bị nhiễm DTLCP.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phân tích: Đối với đàn lợn 2 triệu con của Hà Nội, tỉ lệ số con trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm phần lớn. Điều này, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao mà còn khiến cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm phần khó khăn, phức tạp. Đáng nói hơn một phần nguyên nhân dẫn tới DTLCP lây lan nhanh là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là, thậm chí là thiếu trách nhiệm.

Ông Sơn cũng cho hay, các trường hợp bị nhiễm DTLCP đều đến từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, tại các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, chuyên nghiệp tới nay vẫn an toàn, bởi ngay từ đầu họ đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch.

Tại các các ổ dịch đã phát hiện tiểu hủy, địa phương
Tại những nơi phát hiện tiểu hủy lợn nhiễm bệnh, các địa phương đều phải thực hiện việc kiểm soạt chặt ổ dịch

Trong trang trại, các chủ cơ sở đều thắt chặt việc tuân thủ tuyệt đối các quy trình phòng chống DTLCP. Đồng thời, họ chủ động biên soạn các tài liệu tuyên truyền cho toàn bộ nhân viên hiểu thế nào về DTLCP. Trong đó nêu bật lên tính chất nguy hiểm, các con đường lây lan của dịch bệnh, để từ đó rút ra những nguy cơ cần quan tâm phòng tránh...

Kiểm soát chặt ổ dịch

Ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, DTLCP diễn biến rất khó lường vì nguồn lây rất đa dạng, hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc chữa, tỷ lệ chết lên đến 100%. 

Để ngăn chặn DTLCP lây lan rộng, giải pháp cấp bách hiện nay là các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch, tổ chức hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, quán ăn đường phố cam kết thực hiện quản lý chặt thức ăn dư thừa. Các dụng cụ chứa đựng hàng ngày phải được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sạch sẽ. Trước khi đưa ra khỏi cơ sở, phải được xử lý nhiệt. Định kỳ phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng và diệt chuột tại cơ sở. Bên cạnh đó, nơi tập kết thức ăn thừa được cách ly xa với khu vực chuồng nuôi.

Thức ăn thừa sau khi xử lý nhiệt trên 700 độ C là có thể tiêu diệt được vi rút DTLCP. Tuy nhiên, người chăn nuôi nên hạn chế sử dụng, bởi nguy cơ lây bệnh từ thức ăn thừa vẫn rất cao, đó là thông qua các vật chủ trung gian như chuột, ruồi, muỗi, gián, hay chính phương tiện, đồ dùng vận chuyển thức ăn thừa cũng có thể mang theo mầm bệnh...

Tất cả các cơ sở chăn nuôi đều được rắc vôi bột và hóa chất phòng, chống
Tất cả các cơ sở chăn nuôi gần ổ dịch đều được rắc vôi bột và hóa chất để phòng, chống dịch 

Cùng với đó, thành phố đã thành lập 5 Tổ công tác liên ngành để kiểm tra công tác phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn Hà Nội. Nội dung kiểm tra tập trung vào công tác ngăn chặn, ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi của các quận, huyện, thị xã và hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch động vật. Tổ chức kiểm tra thực tế tại chợ kinh doanh thực phẩm hoặc cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ lợn hoặc cơ sở kinh doanh, bảo quản, sơ chế sản phẩm có nguồn gốc từ lợn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cũng trấn an người dân là DTLCP không có khả năng lây sang người, nên bà con không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Người dân không ăn thức ăn chưa nấu chín như nem, chạo, tiết canh và nên mua các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đặc biệt là phải nấu chín kỹ thịt trước khi dùng. Bởi virus dịch tả lợn châu Phi chịu nhiệt kém, tồn tại được 3 giờ khi nấu ở nhiệt độ 50 độ C, 20 phút trong nhiệt độ 60 độ C, 2 phút trong nhiệt độ 90 độ C và bị tiêu diệt dưới 1 phút khi đun sôi ở 100 độ C.