Lai Châu: Đẩy mạnh ứng phó dịch tả lợn châu Phi

Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 23/03/2019

(TN&MT) - Trước diễn biến của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo chính quyền các cấp, các địa phương, các ngành chức năng cấp bách triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch.

Theo ghi nhận, Lai Châu là tỉnh thứ 20 trong cả nước xuất hiện bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Trước diễn biến nguy hiểm của dịch bệnh, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND ngày 19/3/2019 về việc triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi, yêu cầu các đơn vị chức năng, nhất là Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thú y cần phát huy tốt vai trò tham mưu cho tỉnh các giải pháp chống dịch, quan trọng nhất là không để dịch lây lan. UBND các huyện, thành phố triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, chỉ đạo sát sao, xây dựng kế hoạch, kiểm soát thật chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
 

Lai Châu chỉ đạo tiêu hủy lợn bị dịch để bao vây, dập dịch
Lai Châu chỉ đạo tiêu hủy lợn bị dịch để bao vây, dập dịch

Đối với huyện Tam Đường (địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lai Châu phát hiện dịch), bằng mọi giải pháp phải dập dịch, không để ảnh hưởng đến việc chăn nuôi của người dân; tuyên truyền, vận động người dân tránh hoang mang, dao động, cung cấp đến người dân các thông tin về các biện pháp cấp bách để phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện Tam Đường đã khẩn trương huy động các lực lượng, phương tiện, vật tư để đối phó với dịch bệnh và tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị mắc bệnh theo đúng quy trình; cấp 60 lít hóa chất tiêu độc khử trùng và 1 tấn vôi bột để khử trùng toàn bộ khu vực ổ dịch; phân công các thành viên thành lập các trạm gác để phun khử trùng đối với các phương tiện khi lưu thông ra vào vùng dịch, yêu cầu các cơ quan chuyên môn tham mưu công bố dịch trên địa bàn xã Thèn Sin. Cùng với đó, tổ chức kiểm soát tuyệt đối không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển ra khỏi vùng dịch bị uy hiếp, vùng giám sát; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng giám sát, vùng dịch bị uy hiếp; kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát. Đồng thời, tổ chức nghiêm túc việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày; phối hợp cùng cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT xác minh ngay nguyên nhân xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn.

Ông Thùng Văn Khiếm, Chủ tịch UBND xã Thèn Sin, huyện Tam Đường cho biết: Để tránh dịch bệnh lây lan đến đàn lợn của các hộ gia đình chăn nuôi trong xã, xã đã tuyên truyền người dân chủ động kiểm tra, giám sát đàn lợn của gia đình; khi có triệu chứng bất thường thì khẩn trương báo cho chính quyền địa phương để xử lý kịp thời và tuyệt đối chấp hành việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực chăn nuôi; tổ chức nuôi nhốt và phân loại lợn để kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
 

Lực lượng chức năng đang tiến hành tiêu độc khử trùng tại ổ dịch (Ảnh: Hoàng Cường)
Lực lượng chức năng đang tiến hành tiêu độc khử trùng tại ổ dịch (Ảnh: Hoàng Cường)

Đến ngày 22/3, dịch tả lợn châu Phi đã chính thức được phát hiện tại xã Căn Co và xã Noong Hẻo của huyện Sìn Hồ. UBND tỉnh Lai Châu tiếp tục ban hành Công văn số 405/UBND-NLN về việc tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó yêu cầu UBND các huyện, thành phố khẩn trương thành lập chốt kiểm dịch và đảm bảo máy móc, thiết bị, vật tư hoá chất, đưa các Chốt kiểm dịch động vật vào hoạt động. Cùng với đó, quán triệt nâng cao trách nhiệm đối với các cán bộ được phân công trực tại các chốt; tăng cường công tác tuyên truyền các biện pháp phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi; chủ động sử dụng dự phòng ngân sách để thực hiện công tác phòng, chống và kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn.

Sở Nông nghiệp & PTNT cần phối hợp Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu trình UBND tỉnh chính sách hỗ trợ tiêu huỷ lợn dịch theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ, đảm bảo máy móc, thiết bị, vật tư hoá chất phục vụ công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; tham mưu UBND tỉnh công bố dịch theo quy định. Sở Y tế, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lai Châu, Công an tỉnh cần quán triệt nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với các cán bộ, công chức được phân công tham gia trực tại các chốt. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh có trách nhiệm phân công các thành viên kiểm tra đôn đốc việc triển khai công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại các huyện, thành phố.