Cây bàng Côn Đảo

Xã hội - Ngày đăng : 08:30, 04/02/2019

(TN&MT) - Có lẽ không đâu trên Trái đất này, cây bàng Côn Đảo lại lạ lùng và mang trong mình nhiều câu chuyện lịch sử đến thế.
1


1. Có đến đây mới biết bàng ở Côn Đảo hiện diện ở khắp nơi như thể loài cây này cũng là một sinh thể sống, một loại “cư dân” của đảo này. Bàng trong sân trường học, bàng trước cổng và lẫn vào trong vườn nhà, bàng bên vệ đường, bàng ở mọi ngóc ngách đường phố, bàng ven biển, bàng trên sườn núi,…

Nhiều cây bàng cổ thụ được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” có tuổi đời hơn 100 năm (từ 130 đến 150 năm), tính từ năm thực dân Pháp bắt đầu xây dựng nhà tù (1862). Những cây này thường cao trung bình 15 mét, gốc cây 2 hoặc 3 người ôm. Những cây bàng di sản tập trung trong khuôn viên các nhà tù (trại Phú Hải, Phú Sơn) có 15 cây, trong di tích nhà Chúa Đảo có 8 cây.

Ở Côn Đảo, có những con đường chỉ duy nhất có sự hiện diện của cây bàng cổ thụ mà nhiều người quen gọi là “con đường bàng”. Đó là đường Lê Duẩn với 11 cây bàng di sản. Rồi đường Tôn Đức Thắng – con đường ven biển đẹp nhất Côn Đảo chạy qua cầu tàu 914 (nơi 914 tù nhân chính trị đã hy sinh khi xây dựng cầu này) cũng có đến 19 “cụ” bàng di sản, mọc thành hàng thẳng tắp, đứng ngạo nghễ giữa đất trời.

2. Nếu trong đất liền, cây bàng thường đứng riêng lẻ thì bàng ở Côn Đảo lại tập trung thành từng hàng, từng cụm lớn.

Nếu trong đất liền, cây bàng lá mỏng, thân cây tròn trịa, dáng cây nghiêng ngả thì bàng Côn Đảo độc đáo và đặc hữu: lá bàng cứng dày và xanh biếc, dáng thẳng tắp sừng sững vươn lên trời, vỏ cây sần sùi, nứt nẻ, thân cây nổi nhiều u bướu như xà cừ cổ thụ, có những cái bướu to ngang phần thân cây còn lại và có hình thù kì lạ. Những u bướu đó là “đề tài” cho những câu chuyện của những du khách đến đây...

Rất nhiều cách lý giải khác nhau, chỉ biết một điều chắc chắn là những cái u bướu đó thực sự gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách đến nơi đây.

Những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo cao lớn, hùng vĩ, trầm mặc, cổ lão, gốc xoải rộng đến 5 - 7 mét cũng gây ấn tượng với du khách. Có phải khí hậu nơi đây thích hợp với loại cây ưa sáng này khi ánh sáng trên đảo tràn trề để chúng tồn tại với thời gian, hay những cây bàng ấy buộc phải vĩnh cửu để nói với hậu thế về những gì mà mình đã chứng kiến suốt hơn 150 năm, kể từ khi thực dân Pháp đặt viên gạch đầu tiên để hình thành nên “địa ngục trần gian”? Có lẽ cả hai.

IMG 20170930 093053


3. Không chỉ đẹp, cây bàng còn là “người bạn” thân thiết của người dân Côn Đảo. Cây bàng được ví như linh hồn của Côn Đảo.

Bàng âm thầm tỏa bóng mát trong những ngày nắng hạ. Bàng chắn sóng, chắn gió chở che cho người dân trên đảo mỗi mùa biển động. Dáng của bàng vững chãi, hiên ngang tựa bức tường thành vững chắc để chở che những con sóng cuồng nộ của biển cả và những trận gió táp mưa sa. Như những cọc tiêu, mỗi ngày bàng chịu hàng trăm nghìn đợt sóng tơi bời nhất là những ngày mưa gió.

Không chỉ chắn gió, chắn sóng, bàng còn làm đẹp cho một vùng đất nhiều gian lao. Những cây bàng cổ thụ tạo nên nét vừa cổ kính trầm mặc vừa nên thơ, một cảnh quan độc đáo mà chỉ Côn Đảo mới có. Cây bàng làm cho cư dân Côn Đảo càng yêu mến tự hào về hòn đảo xinh đẹp mà mình đang sống và tạo được ấn tượng đẹp cho du khách. Đến “thiên đường du lịch” này có bao du khách đã làm thơ, viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc ca ngợi cây bàng Côn Đảo?

Cây bàng còn ban tặng cho cư dân trên đảo một món ăn ngon mang đậm vị ngọt bùi thơm thảo. Ở đây nhân bàng được rang khô rồi tẩm với đường hoặc muối để trở thành món quà vặt quen thuộc của dân trên đảo và là món quà đặc sản mà người đất này gửi về đất liền. Hạt hàng Côn Đảo mập chắc, ăn có vị bùi bùi, béo ngậy, thơm rất hấp dẫn, vừa ngon vừa lạ.

4. Như một “chứng nhân” lâu năm nhất những cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo đã trải qua những thăng trầm cùng với lịch sử của hòn đảo này.

Cây bàng chứng kiến tất cả những lớp người tù đã đi qua để đến trại giam hay lê bước đi lao động khổ sai. Nó vĩnh biệt những người tù đã trút hơi thở cuối cùng, qua đây để đến yên nghỉ ở nghĩa trang Hàng Dương vĩnh viễn.

Cây bàng chứng kiến những ngày bị giam cầm đầy đọa cùng quá trình đấu tranh gian khổ, ý chí cách mạng của lớp lớp người tù cộng sản. Nó cũng chứng kiến sự đàn áp dã man vô nhân tính của thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Không chỉ là một “chứng nhân” lịch sử, cây bàng còn là người bạn thân thiết của người tù Côn Đảo.

Từ sau ngày giải phóng, cây bàng lại gắn với người dân, chứng kiến sự thay da đổi thịt hàng ngày của mảnh đất này. Thế mới thấy mảnh đất bi hùng Côn Đảo, ngay cả cây xanh cũng chất chứa bao điều.

Nhớ và cảm. Vẻ uy nghi, lừng lững, cổ kính, phong trần của cây bàng Côn Đảo toát lên đức hạnh, phẩm chất mà con người ở thời đại này rất cần đến. Hơn bất cứ nơi nào, ở nơi đây tôi đã rút ra được bài học từ cây.