Trò chuyện với nữ “anh hùng môi trường” Ngụy Thị Khanh
Xã hội - Ngày đăng : 11:05, 03/02/2019
Tôi run bắn khi nghe hai tiếng “Việt Nam”
- Xin mở đầu câu chuyện với dấu ấn nổi bật trong năm - đó là Giải thưởng Môi trường Goldman mà chị nhận được tháng 4/2018. Nhớ lại thời điểm đó, hiện cảm xúc của chị thế nào?
Tôi có nhiều cảm xúc khác nhau khi nhận Giải thưởng này. Nhưng ấn tượng có lẽ còn mãi chính là sự linh thiêng khi hai tiếng “Việt Nam” được xướng lên tại Nhà hát lớn ở thành phố San Francisco (California – Mỹ) trong lễ trao Giải thưởng. Khi ấy, tôi run bắn lên. Một niềm tự hào dâng lên thật khó tả.
-Thành tích nổi bật mà Giải thưởng Goldman ghi nhận ở chị là nỗ lực giúp Việt Nam loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm. Họ tính mức phát thải này như thế nào, thưa chị?
Con số 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mà Ban Chấm giải ước tính là lượng phát thải tránh được khi Chính phủ cắt bỏ 20.000 MW nhiệt điện than trong Quy hoạch điện 7 điều chỉnh. Kết quả này không chỉ là nỗ lực của tôi mà còn của các đồng sự tại Green ID, nhiều chuyên gia và Bộ, ngành cùng cởi mở trao đổi đi đến đồng thuận. Nhưng có lẽ tôi và Green ID được nhắc đến là bởi chúng tôi đã theo đuổi đến cùng mục tiêu này và cũng là nhóm duy nhất đưa ra con số mục tiêu cần cắt giảm. Tôi rất vui vì những nỗ lực của chúng tôi đã được Chính phủ ghi nhận và qua đó, góp phần chung vào công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng không khí ở Việt Nam.
- Giải thưởng môi trường Goldman không chỉ ghi nhận kết quả là chị giúp loại bỏ được 115 triệu tấn khí thải carbon dioxide mỗi năm mà điều quan trọng là chị đã theo đuổi vấn đề “khó nhằn” này trong nhiều năm và truyền cảm hứng trong giới môi trường cũng như cộng đồng. Chị nghĩ sao về điều này?
Một trong những tiêu chí của Giải thưởng Goldman là người đoạt giải phải có những ảnh hưởng về chính sách cũng như lan tỏa, truyền cảm hứng đến cộng đồng. Tất cả những người đoạt giải năm nay đều được ghi nhận bởi những nỗ lực từ hành động cá nhân và xây dựng được mạng lưới đồng hành. Tôi thấy rằng, Giải thưởng này còn giúp kết nối công việc của chúng tôi với cộng đồng toàn cầu; mang lại sự công nhận quan trọng của quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam.
- Chắc việc gặp gỡ, giao lưu với các “Anh hùng môi trường” ở nhiều châu lục, nhiều đất nước với trình độ phát triển khác nhau có nhiều thú vị, thưa chị?
Trong dịp sang Mỹ nhận Giải này, tôi được gặp gỡ với 6 nhà hoạt động từ Colombia, Pháp, Philippines, Nam Phi (2 người) và Hoa Kỳ nhận giải. Phải nói họ đều là những cá nhân nỗ lực phi thường. Nhiều người không phải làm môi trường chuyên nghiệp mà ban đầu là nạn nhân của ô nhiễm môi trường, khai thác tận diệt tài nguyên… Họ nhìn thấy sự bất cập và cùng những người hàng xóm, đồng hương đi tìm sự thật, chân lý và giải pháp. Có người phải chuyển nhà vì bị mafia đe dọa, có người có con bị ung thư vì ô nhiễm… Song vượt lên nhiều rào cản, họ đạt được các kết quả đáng ghi nhận.
Tại đây, tôi còn gặp gỡ nhiều người có chung mục đích là tìm cách giảm nhiệt điện than, tìm cách giảm ô nhiễm không khí ở nơi họ sống. Tôi còn gặp các nghị sĩ, cơ quan bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp, các nhà hoạt động môi trường tại các nước phát triển như Mỹ, Pháp… và nhận ra rằng, môi trường đang là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ 21. Việc phát triển công nghiệp để vì con người hay phát triển công nghiệp lại mâu thuẫn với lợi ích con người đang là vấn đề cần tìm lời giải thỏa đáng.
Năng lượng là xương sống của mỗi quốc gia
- Trở lại câu chuyện năng lượng. Chị đưa ra đề xuất giảm 30.000MW nhiệt điện than so với quy hoạch điện 7 dựa trên cơ sở nào?
Green ID đưa ra con số này dựa trên một nghiên cứu khoa học thực hiện trong các năm 2013 - 2015 có tiêu đề “Cơ hội giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than”. Chúng tôi nghiên cứu thấy quy hoạch điện 7 đã dự báo chưa sát GDP giai đoạn 2010 - 2015 (7,5 - 8%), trong khi thực tế chỉ đạt dưới 6%. Từ đó, nhu cầu điện cũng giảm. Nghiên cứu cũng đưa ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của nhiệt điện than. Đồng thời, chúng tôi tính toán tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong từng ngành. Từ đó, chúng tôi đề xuất cắt giảm 30.000MW nhiệt điện than và chưa cần thiết phải phát triển điện hạt nhân. Quy hoạch điều chỉnh điện 7, Chính phủ đã chấp thuận giảm 20.000MW nhiệt điện than. Đó là một thành công lớn.
- Chị biết thông tin Chính phủ quyết định giảm nhiệt điện than trong hoàn cảnh nào?
Tôi biết tin trước 2 ngày khi Quy hoạch Điện 7 điều chỉnh được Thủ tướng ký duyệt. Quy hoạch được duyệt ngày 18/3/2016 thì ngày 16/3/2016, Green ID có tổ chức hai hội thảo về tăng trưởng xanh và năng lượng tại Hà Nội và TP. HCM. Trong số diễn giả của chương trình có một chuyên gia ở Viện Năng lượng. Anh ấy biết tin này và đã chia sẻ ngay tại hội thảo. Tôi và các đồng nghiệp sung sướng vô cùng, reo vui ngay tại khán phòng.
- Việc điều chỉnh một quy hoạch đồ sộ như quy hoạch điện không hề dễ dàng, bởi nó liên quan đến nhiều Bộ, ngành cũng như ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. Chị nghĩ vì sao mà đề xuất giảm nhiệt điện than của Green ID và các chuyên gia lại được Chính phủ xem xét và chấp thuận điều chỉnh?
Tôi nghĩ rằng điều quan trọng là chúng tôi đi đúng thời điểm. Bởi theo Luật Điện lực, cứ 5 năm quy hoạch sẽ được điều chỉnh, 10 năm sẽ xây dựng quy hoạch mới. Ngay từ khi Quy hoạch điện 7 ra đời, nhiều vấn đề bất cập đã được chỉ ra. Chúng tôi bắt tay ngay vào nghiên cứu. Chúng tôi lúc đó chỉ nghĩ rằng, mình có trách nhiệm phải đóng góp những điều mà mình thấy bất cập và đề xuất các giải pháp. Có thể giải pháp chúng tôi đưa ra gây “sốc”, song chúng tôi đưa ra trên tinh thần xây dựng. Bởi đề xuất ấy còn được thảo luận nhiều lần, với nhiều bên liên quan. Việc cởi mở, minh bạch thông tin cùng sự cầu thị có lẽ là điều mà các cơ quan quản lý đánh giá cao ở chúng tôi. Bởi thế, chúng tôi tạo dựng được niềm tin nơi các đối tác. Chỉ khi tin nhau, không đề phòng nhau, mới hoàn thành mục tiêu chung.
- Được biết, mới đây để đóng góp cho Quy hoạch điện 8 đang trong quá trình xây dựng, GreenID cùng các chuyên gia đã đề xuất nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ 21% lên khoảng 30% vào năm 2030, giảm nhiệt điện than từ 42,6% xuống còn khoảng 24,4%. Chị có quá lạc quan khi đưa ra kịch bản này không?
Tôi cho rằng kịch bản này khả thi. Theo kịch bản này, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm nhiệt điện than. Hiện nay, giá điện than rẻ hơn năng lượng tái tạo bởi chưa tính đến chi phí ngoại biên (môi trường, sức khỏe, xã hội). Nếu tính cả chi phí ngoại biên, năng lượng tái tạo hoàn toàn có thể cạnh tranh với nhiệt điện than.
Tuy vậy, kịch bản chỉ là các nghiên cứu, muốn trở thành hiện thực đòi hỏi phải có những cam kết quyết tâm chính trị, nỗ lực về chính sách cũng như quyết liệt trong hành động. Thực tế đã chứng minh, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Cơ chế Khuyến khích phát triển điện mặt trời vào tháng 4/2017, đến nay, công suất điện mặt trời đã vượt quy hoạch. Nếu quy hoạch đặt ra mục tiêu 12.000MW, hiện các dự án hiện đăng ký đã có tổng công suất gấp hơn 2 lần (26.000MW). Công suất điện gió đăng ký cũng đã đạt 1.500MW so với mục tiêu 800MW vào 2020. Với những quyết tâm chính trị của một Chính phủ kiến tạo và hành động như thế, tôi tin rằng, phát triển bền vững sẽ là con đường Việt Nam tiến tới.
Vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng sang hướng bền vững đã được đặt ra trong vài năm trở lại đây. Năng lượng là vấn đề xương sống của mỗi quốc gia nên chắc chắn cần được tính toán. Đã đến lúc, Chính phủ cũng như mỗi người dân cần nhìn nhận, cân nhắc lợi ích giữa phát triển kinh tế và đánh đổi môi trường, sức khỏe người dân.
- Đó là tương lai xa với cái nhìn tươi sáng, lạc quan. Còn hiện nay, thực sự năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều rào cản, thưa chị?
Với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, giá điện gió và điện mặt trời khá hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy vậy, rào cản lớn hiện nay là quy trình thủ tục, việc đàm phán, đấu nối của các nhà máy điện gió, điện mặt trời vào lưới điện quốc gia. Mạng lưới điện hiện đã được quy hoạch theo quy hoạch điện 7 cũ nên cần một khoản kinh phí lớn đến phát triển mạng lưới mới theo Quy hoạch điện 7 điều chỉnh cũng như Quy hoạch điện 8 tới đây. Quan trọng hơn, Nhà nước phải tạo ra được một thị trường mua bán điện minh bạch và giảm bớt các quy trình, thủ tục cho thông thoáng để thu hút nhà đầu tư.
Chỉ có thể truyền cảm hứng khi mình “làm thật”
- Các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến người dân và cộng đồng. Dù hiện ngày càng có nhiều nhóm, tổ chức làm về môi trường song điều quan trọng là phải truyền cảm hứng đến người dân để họ tự thay đổi nhận thức. Điều này có khó không, thưa chị?
Tôi cho rằng, không có gì hiệu quả bằng việc mình làm thật. Có thể mình nói rất hay nhưng chỉ khi nhìn thấy kết quả thực hiện tốt, mới truyền được cảm hứng lâu dài và hiệu quả. Điều đó không dễ dàng bởi nó đòi hỏi nhiều thời gian và nỗ lực.
Năm 2012, chúng tôi mất 6 tháng để giải thích với chính quyền một tỉnh nhằm triển khai Kế hoạch năng lượng địa phương. Dự án ấy không mang lại tiền, không mang lại sản phẩm như các dự án thông thường khác nhưng giúp chính quyền và người dân biết cách lập kế hoạch năng lượng dựa trên nhu cầu thực tế của mình. Dần dần, bằng những kết quả mà cộng đồng ấy thu nhận được, hiệu quả dự án vẫn được tiếp nối đến hiện nay.
- Các hoạt động của chị và Green ID phần nhiều đi vào đối thoại chính sách môi trường - một lĩnh vực “khó” đối với các tổ chức xã hội. Theo chị, các tổ chức xã hội tại Việt Nam cần làm gì để tiếng nói của họ rõ ràng hơn trong việc đóng góp, phản biện các chính sách cho quốc gia?
Tôi cho rằng, tiếng nói của các tổ chức xã hội trong việc đề xuất, phản biện chính sách cần 4 yếu tố quyết định. Đầu tiên, thông tin mình đưa ra phải có cơ sở khoa học, có giá trị tham khảo. Thứ hai, cần chủ động, tích cực chia sẻ với mong muốn thực tâm đóng góp cho nhà nước ở góc nhìn xã hội – công dân. Thứ ba là cần tinh thần cầu thị. Cuối cùng là cần sự minh bạch rõ ràng để tạo lòng tin với các đối tác.
- Nhân dịp Xuân mới, chị có lời chúc nào cho môi trường Việt Nam, có lời động viên truyền cảm hứng nào cho những người làm công tác môi trường trên khắp cả nước?
Bây giờ, phần đa mọi người đều có nhận thức về vai trò của môi trường đối với cộng đồng và sức khỏe. Tôi mong mỗi người hãy coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mình, không ỷ lại cho rằng đó chỉ là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Với tư cách một người phụ thuộc vào môi trường, mỗi người đều có thể hành động giữ gìn cải thiện môi trường sống bằng nhiều cách tham gia.
Xét về tính thời điểm, năm 2019 là năm có vai trò quan trọng không chỉ cho môi trường, năng lượng mà cho cả bức tranh phát triển Việt Nam bởi đây là chặng cuối của lộ trình phát triển 5 năm hoặc 10 năm của quy hoạch. Bởi thế, 2019 là năm có nhiều cơ hội để công dân đóng góp vào quá trình đóng góp và thực hiện các chính sách phát triển bền vững. Với cá nhân tôi, tôi kỳ vọng Quy hoạch điện 8 sẽ phản ánh được vấn đề phát triển năng lượng bền vững, đưa ra giải pháp mà các cộng đồng quan tâm trong nỗ lực phát triển năng lượng sạch, giảm áp lực môi trường. Tôi cũng mong tiếng nói và đóng góp của các tổ chức khoa học, tổ chức xã hội như Green ID sẽ được lắng nghe. Green ID sẵn sàng làm cầu nối để cộng đồng cùng chia sẻ những quan tâm của mình và nỗ lực đưa vào các lộ trình chính sách.
Xin cảm ơn chị và chúc chị một mùa xuân mới nhiều năng lượng.