Tết làng chài trên Tây Nguyên

Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 03/02/2019

(TN&MT) - 29 hộ gia đình với hơn 90 nhân khẩu từ khắp mọi miền của đất nước cùng tựu chung lại thành một xóm chài nhỏ đặc biệt nằm giữa lòng hồ thủy điện Sê San 4, giáp ranh giữa Gia Lai và Kon Tum. Sông nước Sê San của Tây Nguyên đã mang tới cho họ cuộc sống yên bình, ổn định để có thể gắn bó dài lâu, an cư lập nghiệp.
se san 4
Làng chài nằm trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum

Lênh đênh sông nước

Ít ai biết đến giữa cao nguyên đầy nắng và gió lại có một làng chài sống cảnh lênh đênh trên sông, y như những xóm nổi ở miền Tây Nam Bộ. Đó là làng Điếu Ngư - ngôi làng được thành lập đầu tiên chỉ khoảng 10 hộ dân từ miền Tây dạt lên sinh sống. Hiện tại, đã có 29 hộ đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Tất cả họ đều là những gia đình khó khăn, phải tha hương cầu thực. Khi được nghe giới thiệu đến sông nước Sê San của Tây Nguyên có thể là nơi lập nghiệp, mọi người cùng nhau kéo lên, chỉ với một hy vọng rằng, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn và không còn phải phiêu bạt nữa.

Thế nhưng chẳng phải dễ dàng như vậy, ông Đặng Văn Thân (SN 1952, quê ở An Giang) nhớ về những năm tháng đầu khi mới đến vùng đất này: “Lúc đó, vừa khó khăn về kinh tế vừa bị chính quyền địa phương không cho phép định cư. Cứ ở bên phía tỉnh Gia Lai vài ngày lại bị đuổi, mọi người kéo nhau chèo bè chạy qua địa phận tỉnh Kon Tum. Ngược lại, khi chính quyền tỉnh Kon Tum đuổi, họ lại chạy ngược về tỉnh Gia Lai. Ở vùng đất mới, lại di chuyển liên tục nên không xác định được dòng nước, rồi nguồn tiêu thụ. Có lúc, tôi tưởng chừng như tuyệt vọng”.

nh 2
Cuộc sống giản dị của người dân làng chài

Cũng là một trong những người đầu tiên di cư đến đây và đã định cư được 8 năm nay, anh Đặng Tuấn Vũ (An Giang) tâm sự: “Ở quê có hai vợ chồng với một đứa con nhưng đói khổ vô cùng. Đất đai khô cằn, chỉ làm lúa mà năng suất không cao, có những lúc trong nhà không còn đồng tiền nào để sinh hoạt. Mỗi năm Tết đến, cơm ăn chưa đủ nói gì đến sắm sửa đón Tết. Đó có lẽ là những ngày cơ cực nhất mà tôi không bao giờ muốn gặp lại!”.

Làng Điếu Ngư nằm giữa lòng hồ Thủy điện Sê San 4 và mất khoảng 15 phút đi ghe máy từ đất liền vào. Nơi đây nhộn nhịp với cảnh chài lưới trên sông, tiếng ghe máy qua lại, tiếng sóng vỗ. Hàng chục ngôi nhà lợp tôn chắc chắn nổi trên mặt hồ thành một hàng dài. Người dân kéo lưới, đánh cá, nuôi cá lồng bè để mưu sinh, kiếm sống. Cảnh những người phụ nữ xẻ cá, phơi cá khô ngay trên ghe tạo nên một không khí sôi động. Cả xóm chài nhỏ trở nên rất đặc biệt, có một không hai trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

nh 3


An cư lập nghiệp

Sau nhiều ngày tháng lênh đênh, di chuyển liên tục giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum, cuộc sống của các hộ dân không an cư nên mãi không thể ổn định. Người dân đã họp nhau lại viết đơn tập thể gửi lên chính quyền tỉnh Kon Tum, xin được đăng ký thường trú ở tỉnh Kon Tum và đã được tỉnh chấp thuận. Kể từ hai năm nay, xóm chài nhỏ chính thức được công nhận là cư dân của mảnh đất Tây Nguyên.

Sông Sê San có chiều dài 237 km, với lưu vực hơn 11.000 km2 và được mệnh danh là “dòng sông năng lượng”. Không những vậy, Sê San còn được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy sản dồi dào và hệ thủy sinh phong phú gồm những loài cá quý như: anh vũ, lăng, sihanouk, chạch, chép… Lợi dụng những thế mạnh của vùng sông nước này, người dân làng Điếu Ngư ngoài việc đánh bắt cá trên sông còn lập các lồng, bè để nuôi cá như: trắm, thát lát, nàng hai, lăng… Những sản vật này còn được người dân phơi khô, chế biến, tạo nên những món ăn có hương vị riêng.

Giờ đây, xóm chài nhỏ lúc nào cũng náo nhiệt bởi các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân. Anh Đặng Tuấn Vũ tươi cười nói: “Bây giờ khác xưa, tôi có nghề đánh bắt cá, vợ tôi nuôi thêm cá trong lồng, bè. Chúng tôi đã có 3 con, thu nhập ổn định, cuộc sống khá hơn rất nhiều. Tuy lênh đênh giữa vùng sông nước nhưng con cái đều được đi học đầy đủ. Sông nước Sê San là quê hương thứ hai và là nơi an cư lập nghiệp của gia đình tôi”.

nh 4


Còn đối với anh Đặng Văn Biện (SN 1986, quê An Giang), ở mảnh đất Tây Nguyên này, gia đình anh có một cuộc sống thoải mái, an yên, không còn cái cảnh lúc nào cũng lo bữa cơm hàng ngày như trước. Niềm vui trọn vẹn hơn khi mong ước được an cư nơi đất liền của các hộ dân đã được tỉnh Kon Tum xem xét, chấp thuận. Đầu năm 2018, huyện Ia HDrai (tỉnh Kon Tum) đã bố trí đất phù hợp cấp cho mỗi hộ 400 m2 đất và 50 triệu đồng để xây dựng nhà ở.

Để hỗ trợ cư dân làng chài ổn định cuộc sống cả trên sông và trên bờ, ông Nguyễn Phú An - Phó Chủ tịch xã Ia Tơi, huyện Ia H'Drai (tỉnh Kon Tum) cho biết: “Ngoài việc cấp đất và hỗ trợ tiền cho người dân xây dựng nhà cửa, chính quyền còn hỗ trợ kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, các chương trình hỗ trợ về con giống như cá lăng, cá anh vũ... Chính quyền địa phương dự kiến thời gian tới sẽ xin chủ trương của tỉnh Kon Tum để hỗ trợ đất cho các hộ dân canh tác trên bờ, bằng cách chuyển đổi một số diện tích đất rừng sang đất nông nghiệp".

Đến nay, 29 hộ gia đình đều đã xây dựng được nhà ở kiên cố trên mảnh đất được cấp từ số tiền hỗ trợ và số vốn tích góp được trong suốt những năm chài lưới trên sông Sê San. Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Văn Thân phấn khởi: “Khi bước chân đến đây, chúng tôi chỉ mong một cuộc sống đỡ vất vả hơn. Nhưng vùng đất này còn mang lại nhiều hơn thế. Hiện, thu nhập của mỗi hộ mỗi năm được vài trăm triệu đồng, đời sống ấm no, khởi sắc hơn rất nhiều. Mừng nhất là chúng tôi được tiếp cận với các chính sách xã hội, được chính quyền địa phương quan tâm, cấp đất, hỗ trợ tiền xây nhà để con cháu được đi học thuận lợi hơn. Đúng là không mong gì hơn nữa!”

Vậy là 29 hộ dân làng Điếu Ngư rời quê hương lên Tây Nguyên nay đã an cư lập nghiệp. Đối với họ, Kon Tum chính là quê hương thứ hai mang đến cho họ cuộc đời mới khởi sắc hơn, là nơi họ sẽ gắn bó đến hết cuộc đời này.

Xuân yên vui

Ngày cuối năm, làng chài nhỏ luôn tập nập người qua lại, nhộn nhịp với các hoạt động chài lưới, mua bán, đánh bắt cá trên sông. Người dân ai nấy đều vui tươi, phấn khởi vì đã có một năm chài lưới năng suất cao, nguồn thu nhập ổn định. Một mùa xuân mới đang về, dân làng chài Điếu Ngư lại thêm một năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Niềm vui trong cuộc sống ở quê hương mới luôn thể hiện trong nụ cười của những ngư dân nơi đây.

 “Mỗi năm Tết đến, chúng tôi đều có những cảm xúc khi nhớ về quê hương. Mọi người thường họp nhau lại, cùng nhau làm những món ăn đặc trưng ở quê như: bánh tét, thịt kho trứng vịt để sử dụng trong dịp Tết. Ở đây, tôi có gia đình, có bà con. Năm nay còn được ăn Tết trong ngôi nhà mới, tôi cảm thấy rất vui và phấn khởi. Chúng tôi rất cảm ơn chính quyền tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho chúng tôi có một cuộc sống tốt như bây giờ”, chị Hà Thị Diễm Bé (quê An Giang) chia sẻ.

Để hỗ trợ người dân làng chài có một cái Tết đầy đủ, sung túc hơn, chính quyền huyện Ia HDrai có những phần quà trao đến các hộ dân nhằm động viên tinh thần, giúp người dân an tâm phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tết này, xóm chài nhỏ sẽ đầy ắp tiếng cười, hân hoan đón năm mới trong cuộc sống yên bình, ấm no. Chào tạm biệt dân làng chài nhỏ, chúng tôi thấy những nụ cười tươi, khỏe khoắn ở các ngư dân, mong cho những chuyến đánh bắt cá sau này luôn thuận buồm xuôi gió để nụ cười ấy không bao giờ tắt.