Hòa Bình: Tập trung nguồn lực đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi

Xã hội - Ngày đăng : 08:54, 31/01/2019

Các hồ chứa nước của tỉnh Hòa Bình đều đã được đưa vào sử dụng lâu năm, một số hồ đã hư hỏng và xuống cấp, vì vậy vấn đề an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi cần có giải pháp tổng thể lâu dài. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết hết sức khắc nghiệt, mưa lũ xảy ra với cường độ lớn và thất thường, nhất là ở miền núi như hiện nay, cộng thêm lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa mỏng, hạn chế về năng lực và chuyên môn, thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp nên nhiều hồ đã bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ sự cố mất an toàn…
(TN&MT) - Tỉnh Hòa Bình hiện có khoảng 530 hồ chứa nước thủy lợi và thủy điện đang hoạt động, đã phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, phần lớn các hồ thủy lợi trong tỉnh xây dựng từ rất lâu. Qua rà soát, toàn tỉnh Hòa Bình có 325 hồ chứa có hư hỏng ở một số hạng mục thuộc thân đập, tràn xả lũ, cống lấy nước. Mặt khác, lực lượng quản lý, vận hành hồ, đập còn mỏng, không bảo đảm năng lực chuyên môn, nhất là các hồ do cấp huyện quản lý.
a
Công trình hồ Rung Chăn, xã Yên Phú, Lạc Sơn đang trong giai đoạn làm kênh mương và lát mái thượng lưu dự kiến hết tháng 2 sẽ hoàn thành.

Công trình sửa chữa nâng cấp hồ Rung Chăn xã Phúc Tuy, Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình đang trong giai đoạn làm kênh mương và lát mái thượng lưu. Đây là công trình cấp II được xây dựng các hạng mục như sửa chữa đập đất với chiều dài 144 m, cao trình đỉnh đập trên 100 m; xây mới lại bệ cống cột trụ tháp cống lấy nước dưới đập, xây mới cầu công tác ra tháp van với chiều dài trên 31 m; nâng cấp phần tràn xả lũ bằng bê tông; gia cố tuyến đường vận hành quản lý bằng bê tông với chiều dài trên 340m... do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi làm chủ đầu tư trên diện tích 5 ha. Công trình có tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu để khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn huyện. Mục tiêu đầu tư xây dựng nhằm đảm bảo ổn định an toàn cho công trình và nhu cầu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Dự kiến hết tháng 2 công trình sẽ hoàn thành thực hiện tưới ổn định cho 70 ha lúa 2 vụ xóm Khoang và xóm Cọ Bạ góp phần nâng cao năng suất cây trồng, từng bước cải thiện đời sống nhân dân vùng hưởng lợi.

11 15 46 2
Tỉnh Hòa Bình thực hiện chủ trương xã hội hóa xây dựng hồ đập phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Do số lượng công trình xuống cấp chiếm tỷ lệ lớn nên công tác quản lý an toàn đập và hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong số 325 công trình bị hư hỏng các hạng mục đầu mối, Chi cục Thủy lợi đã xác định 145 công trình cần được ưu tiên sửa chữa cấp bách để đảm bảo mức độ an toàn và kịp thời phục vụ sản xuất. Đối với các công trình này, giải pháp được ngành chức năng khuyến nghị là ưu tiên sửa chữa các hạng mục đầu mối đang xuống cấp nghiêm trọng, nâng cao khả năng chống lũ và từng bước nâng cấp hệ thống kênh mương. Ngoài ra cũng cần bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, không để từ hư hỏng nhỏ phát triển thành hư hỏng lớn, gây nguy hiểm đến an toàn công trình.

a 5
Huyện Tân Lạc (Hòa Bình): Đập hồ thủy lợi rò rỉ, nguy cơ mất an toàn.

Được biết, trong tổng số 527 hồ chứa thủy lợi hiện nay, có 154 công trình do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý và vận hành; 373 công trình được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các hợp tác xã, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành, khai thác. Với trách nhiệm của mình, đơn vị quản lý đã chủ động phương án đảm bảo an toàn cho công trình, chú trọng đến vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du; thực hiện quy trình vận hành hồ chứa; chủ động sửa chữa những hư hỏng nhỏ và mới phát sinh, hàng năm có kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình… Đối với những hồ, đập đang xuống cấp nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đơn vị quản lý đã thực hiện phương châm không tích nước hoặc hạ thấp mực nước, kết hợp giữa giải pháp phi công trình và công trình nhằm đảm bảo mức độ an toàn cao nhất. Các giải pháp này sẽ tiếp tục được tăng cường trong thời gian tới.

Lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá, hồ chứa đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần ổn định phát triển bền vững tài nguyên nước. Để chủ động ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra đối với hồ chứa nước, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước cần có kế hoạch triển khai thực hiện tăng cường công tác quản lý, đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh. Do đó, cần tổ chức kiểm tra, đánh giá, kiểm định an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi, lập danh mục và sắp xếp thứ tự ưu tiên, lộ trình đầu tư sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ hư hỏng, xuống cấp; Củng cố, phát triển lực lượng quản lý chuyên trách có đủ năng lực chuyên môn để quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi; Tuyên truyền sâu rộng cho các đối tượng quản lý, quần chúng nhân dân vùng hưởng lợi nắm được tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Xây dựng kế hoạch quản lý tốt nguồn nước của các lưu vực sông và hệ thống thuỷ lợi, nhất là các hồ chứa, bảo đảm các quá trình khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.