Đằng sau câu chuyện đưa trâu đi tránh rét tại Lào Cai
Xã hội - Ngày đăng : 13:18, 18/01/2019
Nhưng, kiếm đủ thức ăn cho đàn trâu cả chục con lại là chuyện không hề đơn giản, đặc biệt khi mùa đông đến, cỏ trên các vìa đồi, vạt núi… khô trụi vì sương lạnh, băng tuyết. Người dân lại phải di cư đàn trâu xuống vùng thấp để kiếm cỏ ăn và tránh rét cho chúng.
“Năm 2014 nhà tôi có 9 con trâu, không đưa đi tránh rét nên bị chết mất 2 con trâu già và 3 con nghé. Trâu chết là do mình không kiếm đủ cỏ cho ăn, nó đuối sức, rồi cái lạnh của mùa đông mới giết chết nó, chứ mấy con trâu khỏe mạnh có sao đâu? Kể từ đó, cứ đến mùa đông là gia đình mình lại đưa trâu đi xuống vùng thấp xã Cốc San, huyện Bát Xát để kiếm cỏ và tránh rét cho đến mùa xuân mới trở về nhà”. Đó là lời chia sẻ của ông Giàng A Chứ, người dân thôn Sa Pả, xã Sa Pả, huyện Sa Pa khi đang chăm sóc đàn trâu 8 con của gia đình tại khu vực nghĩa trang thôn Tòng Chú 2, xã Cốc San, huyện Bát Xát.
Trong khu vực nghĩa trang thôn Tòng Chú 2, xã Cốc San hiện có 83 con trâu của 9 hộ dân ở các xã Sa Pả, Tả Phìn, Hầu Thào (huyện Sa Pa) đưa về chăn thả và tránh rét. Ông Má A Thình, thôn Má Tra, xã Sa Pả thẳng thắn cho biết: Bây giờ hầu hết người dân chúng tôi làm ruộng, làm nương đều dùng máy cày. Tuy nhiên, gia đình nào cũng vẫn thích nuôi nhiều trâu, càng nhiều trâu, tức là gia đình đó giàu có, được mọi người dân trong thôn, bản ngưỡng mộ.
Thế nhưng, vì “đầu cơ nghiệp” người dân phải chịu nhiều nỗi vất vả, sự thiếu thốn do phải xa nhà. Chưa kể, những nguy cơ trâu bị mất trộm hoặc xảy ra xung đột lợi ích nếu trâu, bò của những người đưa đi tránh rét dẫm lên mồ mả, phá hoại cây trồng của người dân bản địa.
Tại thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành (Bát Xát), có 6 hộ dân của xã Sa Pả, Hầu Thào (Sa Pa) đưa 37 con trâu về đây tránh rét. Bà Thò Thị Xá, 56 tuổi, ở thôn Má Tra, xã Sa Pả tâm sự: Hàng ngày tôi lên thị trấn bán hàng lưu niệm cho khách du lịch cũng thoải mái sống. Biết rằng nuôi nhiều trâu là rất vất vả, nhưng thế hệ chúng tôi đã trải qua cảnh đói, nghèo cùng cực, do đó, nhà có nhiều trâu đem lại cho tôi cảm giác khá giả hơn…
Được biết, hầu hết các vạt đồi ở hai xã Tòng Sành, Cốc San (huyện Bát Xát) hiện nay đều đã được người dân địa phương trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Do đó, diện tích đất còn lại dành cho người dân Sa Pa đem trâu về chăn thả, tránh rét là rất ít và họ phải mất tiền thuê. Anh Lý Láo Ú, người dân thôn Chu Cang Hồ, xã Tòng Sành cho biết: Gia đình tôi có vạt đồi hơn 4.000 m2 chưa trồng cây lâm nghiệp nên hai năm nay cho người Sa Pa thuê làm điểm chăn thả trâu tránh rét với giá 1 triệu/mùa đông, nhưng sau Tết năm nay gia đình tôi sẽ trồng cây và không cho thuê nữa.
Đến một số thôn, bản của huyện Sa Pa, chúng tôi thấy hầu hết những người ở độ tuổi dưới 30 cùng có quan niệm: Mọi cây trồng, vật nuôi là để phục vụ cuộc sống con người. Do đó, nuôi trâu hay bất cứ con vật gì thì phải có lợi nhuận họ mới làm. Anh Giàng A Mao, 25 tuổi, thôn Sa Pả, xã Sa Pả chia sẻ rằng: Trước đây bố tôi nuôi nhiều trâu lắm, tôi phải khuyên mãi ông cụ mới chịu bán bớt. Bây giờ, 3 gia đình gồm bố mẹ, anh trai và gia đình tôi chung nhau nuôi 2 con trâu cái sinh sản với mục đích chính là để con cháu chăn thả sau giờ học, qua đó, giáo dục tình yêu lao động cho các cháu. Từ ngày bán bớt trâu, gia đình có thời gian tập trung sản xuất rau vụ đông nên thu nhập, cuộc sống được cải thiện hơn.
Được biết gia đình anh Mao chuyên trồng củ cải đỏ, có sản lượng trung bình từ 1 – 1,5 tấn/vụ đông. Với giá bán dao động từ 15.000 – 20.000/kg như hiện nay, thì đó là nguồn thu nhập đáng kể cho một hộ ở vùng cao, mà các thành viên gia đình anh Mao không phải đưa trâu xuống vùng thấp tránh rét. “Riêng diện tích cỏ VA06, gia đình tôi trồng cũng thoải mái cho chúng ăn rồi. Nếu phải mua thì 2.000 đồng/kg cỏ tươi đấy” – anh Mao chia sẻ.
Những năm qua, các cấp, các ngành của huyện Sa Pa đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, vận động giúp hộ dân chuyển đổi từ chăn thả rông gia súc sang chăn nuôi có chuồng trại. Minh chứng là tại thời điểm này, toàn huyện có 4.736 hộ chăn nuôi đại gia súc với 13.202 con, thì đã có 4.007 hộ làm chuồng nuôi nhốt gia súc kiên cố. Qua đó góp phần cải thiện chất lượng môi trường nông thôn. Tuy nhiên, để nhanh cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, thiết nghĩ Sa Pa cần tiếp tục tuyên truyền để người chăn nuôi đại gia súc chuyển đổi tư duy sang hướng sản xuất hàng hóa.