Nỗi lo sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông

Xã hội - Ngày đăng : 11:50, 09/01/2019

Nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) sống trong thấp thỏm, lo âu vì bờ biển ngày càng bị sạt lở, xâm thực, lấn sâu vào làng; nhiều nhà cửa, đất đai, cây trồng bị hư hại, cuốn trôi... Trong khi đó, tại cửa sông Xích Mộ (xã Kỳ Nam) bị cát biển bồi lấp hoàn toàn, gây ngập úng.
bồi lấp sông
Cửa sông Xích Mộ bị cát biển bồi lấp hoàn toàn, gây ngập úng

Biển lấn làng

Xã Kỳ Phú có khoảng 2,5km đường bờ biển qua địa bàn thôn Phú Hải và Phú Lợi. Theo người dân xã Kỳ Phú, khoảng 15 năm trước, bờ biển vẫn còn cách xa làng hàng trăm mét, ấy vậy mà đến nay đã ăn sâu vào đến sát nhà dân. Đặc biệt, do bờ biển không có hệ thống kè chắn sóng, còn rừng phi lao phòng hộ đã bị sóng biển đánh tan hoang từ lâu nên cứ mỗi mùa mưa bão, sóng biển lại dâng cao gây sạt lở, ngập nhà cửa, dân buộc phải đi sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng. 

Thời gian qua, để giữ đất, nhà cửa, người dân đã tự bỏ tiền làm kè chắn sóng tạm bợ nhưng không hiệu quả, chỉ được một vài năm lại bị sóng đánh sập, người dân đành bất lực.

Ông Hoàng Văn Vinh (ở thôn Phú Hải), lo lắng: “Trước đây, ngôi nhà của cháu tôi ở lối thứ 3 tính từ ngoài biển vào, nhưng nay đã thu hẹp vào đến lối thứ 1, giáp mặt biển rồi. Sau cơn bão năm 2017, cả gia đình nó phải dời dọn đi nơi khác sinh sống để đảm bảo an toàn. Tương tự ở trong thôn và thôn liền kề cũng đã có hàng chục hộ dân buộc phải dời dọn tài sản đi chỗ khác. Những hộ dân không có điều kiện thì phải tiếp tục bám trụ ở lại và không biết biển sẽ cuốn mất nhà cửa bất cứ lúc nào…”.

Theo ông Vinh, tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh, kiến nghị lên cấp trên rất nhiều lần là phải có tuyến bờ kè kiên cố để bảo vệ đất, nhà cửa của dân làng, nhưng chưa được đáp ứng. Trong khi đó, sóng biển ngày càng áp sát nhà khiến người dân rất bất an.

Ông Trần Đình Hậu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, cho biết, hiện có hơn 100 hộ dân ở thôn Phú Hải và Phú Lợi đang nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở. Mặc dù xã đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin kinh phí để làm bờ kè chắn sóng nhưng đến nay vẫn chưa được cấp. Trước đây, việc cấp đất xen cư để di dời các hộ dân vào bên trong được UBND tỉnh cấp phép, nhưng hiện nay, chính sách này đã bị cắt. Vì thế, xã cũng mong UBND tỉnh cho chính sách riêng để sớm di dời các hộ ở vùng sạt lở.

Cửa sông bít đường sống

Sông Xích Mộ nằm dưới chân dãy núi Hoành Sơn có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của người dân ở xã Kỳ Nam. Thế nhưng, mấy năm nay do biến đổi khí hậu, triều cường dâng cao đã đẩy khối lượng cát khổng lồ từ ngoài biển tràn vào bồi lấp hoàn toàn cửa sông, dòng chảy không thể lưu thông khiến đời sống, sản xuất của người dân gặp khó khăn.

Theo người dân ở xã Kỳ Nam, trước đây sông Xích Mộ dài hàng chục km, chỗ sâu nhất 3 - 4m, trung bình khoảng 2m. Tuy nhiên, hiện nay cửa sông và lòng sông trở thành những cồn cát cao, nước bên trong không thể tiêu thoát ra ngoài biển nên ứ đọng khiến việc sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản bị ách tắc. Ngoài ra, do cửa sông bị bồi lấp khiến hàng chục tàu thuyền lớn, nhỏ của ngư dân địa phương không thể ra vào neo đậu, nhất là mùa mưa bão.

Ông Nguyễn Đình Vin, Chủ tịch UBND xã Kỳ Nam, cho biết, việc cửa sông Xích Mộ bị cát bồi lấp hoàn toàn đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đời sống dân sinh của xã Kỳ Nam. Mấy năm nay có nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, hoa màu, ao hồ nuôi trồng thủy sản của người dân và doanh nghiệp buộc phải bỏ hoang hóa. Theo ông Vin, khu vực diện tích sản xuất nông nghiệp gần sông Xích Mộ của toàn xã là 60ha, trong đó có 20ha thường xuyên bị nước gây ngập úng hoàn toàn; làm hư hại, giảm hiệu quả năng suất cho 40ha diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản. 

Thời gian qua, xã đã báo cáo kiến nghị lên UBND thị xã Kỳ Anh, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cấp ngành liên quan cần nghiên cứu đầu tư kinh phí làm kè chắn sóng ngăn chặn tình trạng sạt lở, xói mòn bờ biển, ngăn cát tiếp tục tràn vào bồi lấp cửa sông Xích Mộ. Thế nhưng, đến nay những kiến nghị này vẫn chưa có kết quả.

Thiết nghĩ, những thực trạng trên đang gây ra rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới ở xã Kỳ Nam và xã Kỳ Phú. Các cấp ngành ở tỉnh Hà Tĩnh cần sớm khảo sát để có phương án khả thi nạo vét cửa sông Xích Mộ, xây dựng tuyến đê chắn sóng, trồng rừng cây phi lao phòng hộ giúp người dân 2 xã này ổn định cuộc sống, sản xuất lâu dài.