Xuân về trên đất Cao Sơn
Xã hội - Ngày đăng : 09:57, 07/01/2019
Con đường mới - Vùng đất mới
Vùng đất Cao Sơn là tên gọi của 3 bản Son, Bá, Mười thuộc xã Lũng Cao, huyện Bá Thước (Thanh Hóa). Cao Sơn được bao bọc bởi dãy núi hùng vĩ Pha Chiến, Pha Hé song song với dãy núi Pù Luông nằm trên độ cao trên 2.000m so với mặt nước biển. Vùng đất Cao Sơn quanh năm khí hậu ôn hòa, sương mù bao phủ nhiệt độ trung bình hàng năm từ 15-20oC, mùa đông có thời điểm nhiệt độ xuống khoảng 2-5oC và thường xuất hiện băng tuyết. Nơi đây còn được mệnh danh là Sa Pa Xứ Thanh.
Những năm trước đây, muốn lên vùng đất Cao Sơn là cả một chặng gian nan, muốn đi xe máy lên bản thì từ trung tâm huyện Bá Thước phải ngược xuống đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua huyện Lạc Sơn lên vùng đất xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) mới tới được Cao Sơn với chiều dài gần 150km. Còn muốn đi cung đường ngắn thì chỉ bằng cách đi bộ nửa ngày đường từ trung tâm xã lên bản.
Thế nhưng giờ đây từ trung tâm xã đến bản Son là con đường bê tông tỉnh lộ 521B được nhà nước đầu tư. Sau đó, là con đường nhựa phẳng lỳ chạy dọc 3 bản sang tỉnh Hòa Bình.
Trưởng bản Son - anh Ngân Văn Đức phấn khởi cho biết: Trước đây người dân vẫn giữ tập tục du canh, du cư, săn bắt, hái lượm là chủ yếu. Bên cạnh đó người dân chưa tiếp cận được khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên chỉ biết trồng cây lúa nương, cây ngô, nên cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng không dứt. Để đổi lấy gạo ăn, họ phải gùi ngô sang xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình để trao đổi. Vì nếu xuống trung tâm xã phải băng rừng với những dốc đá thẳng đứng rất nguy hiểm. Thế nhưng, từ khi đường giao thông được đầu tư, nhiều mô hình kinh tế được đưa về đây thử nghiệm và phát huy hiệu quả, nên kinh tế phát triển hơn hẳn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhiều căn nhà kiên cố được dựng lên thay cho nhà tranh, tre nứa lá trước đây.
Còn anh Ngân Văn Thương, trưởng bản Bá cho hay “Từ khi thông đường sang tỉnh Hòa Bình năm 2008 và thông đường xuống trung tâm xã năm 2015, cuộc sống của người dân thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn. Cũng từ năm 2015, dân bản đã có hướng phát triển kinh tế mới để xóa đói, giảm nghèo”.
Ông Lò Văn Xuân - Chủ tịch xã Lũng Cao cho biết “3 bản Son, Bá, Mười có 188 hộ dân với 100% là người Thái sinh sống. Những năm qua, đời sống nhân dân thay đổi rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng lên gần 20 triệu đồng/người/1 năm, các bản cũng đang tích cực xây dựng nông thôn mới khi đã đạt được từ 7-10 tiêu chí”.
Đồng bào Thái nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình. Người phụ nữ Thái vẫn dệt thổ cẩm và thêu thùa. Vào đầu xuân, các bản làng thường tổ chức múa sạp hoặc những làn điệu khập Thái (hay còn gọi là hát tỏ tình, chia sẻ tình cảm với người mình yêu). Mỗi khi có khách quý đến nhà, phụ nữ Thái thường mặc váy truyền thống để cùng uống rượu cần. Hầu như mùa nào trong năm, đồng bào nơi đây cũng đều có một bình rượu cần và các món ăn lạ từ rừng núi như cơm nếp, gà đồi.
Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao
Nhờ được đầu tư về đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật đã giúp việc vận chuyển phân bón, cây giống cũng như trao đổi hàng hóa, kinh nghiệm trồng trọt và khoa học kỹ thuật được tốt hơn. Các hộ dân đã biết vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo chứ không tự cung, tự cấp như trước đây.
Tận dụng khí hậu thiên nhiên ưu đãi, người dân đã phát triển kinh tế từ cây ngô, cây mướp đắng. Hiện mướp đắng đã được trồng phổ biến, hầu như ngày nào các hộ gia đình cũng đi thụ phấn cho hoa. Mô hình trồng mướp đắng được bà con đồng tình ủng hộ cao vì cho lợi nhuận kinh tế cao hơn trồng lúa,trồng ngô.
“Bản Son có 15ha đất sản xuất nông nghiệp, trước đây người dân chủ yếu trồng lúa, ngô nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau đó cả bản đăng ký với một công ty trong nam để trồng cây mướp đắng lấy hạt và đã mang lại thu nhập cao. Phía công ty hỗ trợ lưới trồng, giống, phân bón và kỹ sư về hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cũng như thu hoạch. Đồng thời bao tiêu sản phẩm với giá 440-500 nghìn đồng/1kg hạt mướp đắng đã phơi khô. Việc trồng mướp đắng rất dễ nhưng mang lại thu nhập cao hơn trồng lúa gấp 20 lần, giúp nhân dân có công ăn việc làm cũng như thu nhập cao” anh Ngân Văn Đức - Trưởng bản Son chia sẻ.
Lên Cao Sơn chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi dọc đường là một màu xanh của ngô, mướp đắng, dọc các sườn đồi là những màu xanh của vườn cam, quýt, bưởi...
Ông Hà Văn Thưng (bản Son) cho biết: “Tình cờ mấy năm trước, có một người ở Hòa Bình sang chơi thấy đất của gia đình tôi tốt, thời tiết ôn hòa nên đã bàn với tôi người bỏ đất, người bỏ giống cùng nhau kết hợp trồng 900 gốc cam xen canh quýt. Đến nay gia đình tôi đang thu hoạch vụ cam, quýt thứ 2 mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng các cây trước đây”.
Theo thống kê bản Son có 104 hộ dân nhưng đã có 50% các hộ đã tham gia trồng cam xen lẫn quýt, còn tại bản Bá có tới 70% các hộ.
Mặc dù đường giao thông đã được đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của đồng bào người Thái ở đây, thế nhưng tới nay, Cao Sơn vẫn chưa có điện lưới Quốc gia để sử dụng, gây khó khăn trong việc sinh hoạt và học tập của các em nhỏ. Nước sinh hoạt cũng khan hiếm khi vào mùa hanh khô vì người dân phải dẫn nước từ các khe, suối và mó về sử dụng. |